Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa “nhúc nhích” nhiều trong thời gian qua, vì vậy Việt Nam vẫn đang là địa điểm trung chuyển, xuất khẩu hộ các nước thứ 3 – những nước mà doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu phụ trợ.
Ảnh minh họa.
Trăn trở trên đã được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nêu ra trong buổi Toạ đàm “Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hướng tới xuất khẩu hàng hoá có giá trị gia tăng cao”, do Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Ông Hải cho biết: Cho tới nay Việt Nam đã có 30 năm đổi mới và 28 năm Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực. Hết năm 2015 đã có 110 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Năm 2016 đang đánh dấu bước phát triển mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Số liệu xuất nhập khẩu gần đây cho thấy xuất khẩu của FDI tiếp tục tăng cao. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt 110,59 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014, chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo thì đóng góp của khối FDI chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%; hàng dệt may 60,3%; giày dép 79,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 98,1%...
Bên cạnh đó, ông Hải lưu ý, mặc dù gia tăng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, song kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng cao cũng gắn liền với việc tăng tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của khối này. Năm 2010, nhập khẩu của khối FDI chiếm 43,7% thì năm 2011 con số này là 45,7%; và đến năm 2015 đã tăng lên 58,71% so với kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Xét về mặt hàng, năm 2015 điện thoại là mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất (khoảng hơn 30 tỷ USD), nhưng đến gần 90% nguyên vật liệu, linh kiện phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các mặt hàng máy vi tính, hàng điện tử tiêu dùng, hàng dệt may, sản phẩm giày dép, ô tô, xe hai bánh gắn máy… nguyên vật liệu cho sản xuất phần lớn vẫn nhập khẩu. Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam vẫn là con số rất khiêm tốn.
Như vậy, sản lượng xuất nhập khẩu tuy lớn, nhưng lại chủ yếu là các mặt hàng gia công, không có độ chuyên sâu trong sản xuất, và không có giá trị gia tăng cao. Nếu cứ phát triển theo hướng này thì Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ là địa điểm “trung chuyển”, là nước xuất khẩu “hộ” sản phẩm của các nước thứ 3 – nước mà Hàn Quốc nhập khẩu nguyên liệu về lắp ráp. Rõ ràng, các doanh nghiệp FDI chưa góp phần tạo sự phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ, chuỗi cung ứng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như kỳ vọng ban đầu.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đặt quá nhiều kỳ vọng vào FDI?
Chung góc nhìn với ông Hải, TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Sidec, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương chỉ ra rằng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phát triển tốt, song thành tích đó lại không thuộc về khối doanh nghiệp trong nước.
Theo bà Bình, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong những năm qua tập trung vào 3 lĩnh vực chính là linh kiện phụ tùng; nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giày; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong đó ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng đang phát triển tốt nhất. Sau đó tới cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày. Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, tình trạng còn khá yếu kém.
Bên cạnh đó, bà Bình khẳng định rằng có được sự phát triển của ngành sản xuất linh kiện phụ tùng cũng là nhờ đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, trái ngược với khí thế “thừa thắng xông lên” của vốn đầu tư nước ngoài, thì dòng vốn trong nước rót vào ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn rất èo uột. Đáng lo ngại hơn, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay dường như vẫn chưa “thoát ly” được khỏi FDI.
Nguyễn Thoan / BizLIVE