Kế hoạch nhập khẩu than của Việt Nam đang bị vỡ trận. Cụ thể, Bộ Công Thương đề ra dự báo cả năm 2016 nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than nhưng tính đến tháng 8, con số than được nhập khẩu vào Việt Nam đã lên đến 9,7 triệu tấn, vượt gấp 3 lần.
Đầu năm 2016, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than trong năm nay, trong đó riêng TKV sẽ phải nhập 1 triệu tấn để phục vụ các nhà máy điện của tập đoàn này; số còn lại phục vụ các nhà máy nhiệt điện, luyện thép và xi măng….
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập than các quý I/2016 đã bằng kế hoạch cả năm. Tính đến tháng 8 tháng năm 2016 mặt hàng than đá có tốc độ nhập khẩu tăng cao đột biến. Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu 9,7 triệu tấn than với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 600 triệu USD.
Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng.
Ba thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là: Nga, cung ứng 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD…
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao. Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.
Như vậy, với mức tiêu thụ năm 2020 so tăng gấp đôi so với năm 2015 và tăng dần từ các năm 2025, trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và tương lai cũng khó tăng do các mỏ đều đã triển khai khai thác.
Than nhập về phục vụ cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, xi măng...
Theo Hải Minh
Người đồng hành