Trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm 20,6%; hàng dệt may chiếm 13,2%.
Lắp ráp điện thoại tại nhà máy Samsung Vina. Ảnh: Internet.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt kim ngạch 58,87 tỷ, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm 20,6%; hàng dệt may chiếm 13,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể, nhóm điện thoại các loại và linh kiện, trong tháng 6 xuất khẩu nhóm hàng này đạt hơn 2,65 tỷ USD, giảm 9,1% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2016 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 16,95 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 20,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam: thị trường EU (28 nước) với kim ngạch gần 5,28 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước;
Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đạt kim ngạch hơn 2,22 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này; Hoa Kỳ đạt gần 2,07 tỷ USD, tăng mạnh 59,5% và chiếm 12,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này;
Hàn Quốc đạt hơn 1,33 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 7,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Đối với hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 10,85 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 13,2% trong tổng kim xuất khẩu của cả nước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn FDI đạt kim ngạch gần 6,6 tỷ USD, chiếm 60,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016: thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 5,42 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 49,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước;
Nhật Bản đạt kim ngạch gần 1,28 tỷ USD, tăng 5,5%, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; thị trường Hàn Quốc đạt 876 triệu USD, tăng 16%, chiếm 8,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước
Đối với nhóm giày dép các loại, xuất khẩu giày dép trong tháng 6/2016 đạt gần 1,23 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước, tính đến hết tháng 6/2016 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 6,27 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 5,05 tỷ USD, chiếm 80,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm giày dép các loại của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu giày dép các loại trong 6 tháng đầu năm 2016 : Hoa Kỳ đạt gần 2,16 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 34,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; thị trường EU đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 5,3%, chiếm 33,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Nhập siêu gần 12 tỷ USD trong 7 tháng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa cho biết, 7 tháng đầu năm nay, khu vực doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 11,7 tỷ USD, dù Việt Nam đã giảm nhập khẩu hàng hóa từ hầu hết các thị trường. Theo đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính trong 7 tháng đầu năm nay giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 39,63 tỷ USD (tăng 1,2%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,4 tỷ USD, giảm 2,4%. Kim ngạch nhập khẩu từ một số thị trường chủ yếu của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 27,4 tỷ USD, giảm 3,1%; khu vực ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,1%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, giảm 4,1%... Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đạt 17,4 tỷ USD (tăng 6,5%); Mỹ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 0,2%). Về thị trường xuất khẩu 7 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 21,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. EU đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,2%; Trung Quốc đạt 10,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,7%.... Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện… |
Theo Tuấn Nguyễn - Quỳnh Nga
Tiền Phong