Trong bốn tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu linh kiện và phụ tùng sản xuất ô tô với tổng giá trị 1,67 tỉ đô la Mỹ nhưng đồng thời cũng xuất khẩu được 2,2 tỉ đô la. Trong những linh kiện phụ tùng xuất khẩu từ Việt Nam có cả những sản phẩm công nghệ giá trị cao như phụ tùng hộp số, túi khí...
Lắp ráp ô tô của một liên doanh. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua có 452 triệu đô la linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được nhập khẩu, giảm 8% so với tháng trước. Tính trong 4 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,67 tỉ đô la, tăng 44,8%, tương ứng tăng 518 triệu đô la so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu nhóm mặt hàng này với kim ngạch 4 tháng vừa qua đạt 2,2 tỉ đô la, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu lớn là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc …
Kết quả này được xem là khá bất ngờ trong bối cảnh nhiều liên doanh ô tô ở Việt Nam luôn than phiền rằng công nghiệp hỗ trợ của ngành này trong nước yếu kém dẫn đến kém sức cạnh tranh với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc được nhập từ nội khối của khu vực ASEAN như Thái Lan hay Indonesia có thuế suất ưu đãi là 0%.
Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xe du lịch tại Việt Nam trung bình chỉ khoảng 10-15%, trong khi tại Thái Lan và Indonesia trên 70%. Theo các liên doanh, quy mô thị trường Việt Nam còn quá nhỏ và tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN 15-20% (tính cả chi phí vận chuyển).
Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu cũng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,... Tuy nhiên, theo giới quan sát, thành tích về công nghệ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng này chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu. Đó là những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đài Loan,… như MTEX, FAPV, Nissei, Nidec Tosok, Furukawa, Okaya, Nagata, Sanyo Seisakusho, Pronics, Cobal Yamada. Các doanh nghiệp này đã sớm đầu tư vào các khu chế xuất tại TPHCM như Tân Thuận, Linh Trung,...
Sau đó, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc,... Chẳng hạn nhà máy của Bosch Powertrain Solutions tại Đồng Nai sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT pushbelt) cho ngành ô tô, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ...
Trong năm 2020, cả nước chi 4,2 tỉ đô la nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, trong khi con số xuất khẩu là hơn 5,6 tỉ đô la. Và kết quả này cũng chủ yếu là từ sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, sự tham gia của doanh nghiệp thuần Việt là rất thấp.
Theo góc nhìn từ các doanh nghiệp trong ngành, đại diện một số liên doanh ô tô cho rằng lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu.