Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm nay. Việt Nam đang xuất siêu về mặt hàng này, với thặng dư gần 1,6 tỉ đô la Mỹ.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng mạnh, và 3/4 giá trị từ thị trường Trung Quốc -ảnh minh họa: Hùng Lê |
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng rồi của cả nước đạt thêm 240 triệu đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của cả nước đạt 2,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một trong những nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 (75%) tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.
Bước vào danh sách "tỉ đô la"
Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vượt nhiều mặt hàng chiến lược và có thế mạnh truyền thống của Việt Nam như gạo, dầu thô, than đá và nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu cao với giá trị lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.
Theo đà tăng trưởng này, giới phân tích nhận định mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay (khoảng 3 tỉ đô la Mỹ) là có thể đạt được.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, thị trường Trung Quốc đứng đầu trong số những quốc gia và lãnh thổ tiêu thụ nhiều rau quả của Việt Nam nhất trong 10 tháng đầu năm nay với 2,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 75,9% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Điều này cho thấy, rau quả Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, một thị trường được cho là không quá khó khăn về hàng rào kỹ thuật nhưng có giá trị thấp, nhiều rủi ro và bất lợi cho nông sản Việt Nam.
Cũng theo giới phân tích, nếu xét theo cơ cấu thị trường, việc xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng ngày càng đáng lo ngại. Lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng nhanh chóng, từ mức dưới 30% năm 2014, lên 65% năm 2015, vượt ngưỡng 70% năm 2016, và trong 10 tháng đầu năm nay là đã chiếm gần 76%. Nếu vì một nguyên nhân nào đó, thị trường này bị sụt giảm, ngành sản xuất rau quả trong nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.
Ngoài ra, theo cơ quan hải quan, mặt hàng rau quả Việt Nam còn xuất khẩu tăng mạnh sang những thị trường các nước phát triển và khó tính như Nhật Bản, Mỹ... Cụ thể, cùng thời gian trên, Nhật Bản nhập mặt hàng rau quả Việt Nam đạt trị giá 104 triệu đô la Mỹ, tăng 67,6% cùng kỳ năm ngoái; hay Mỹ nhập khẩu đạt tổng kim ngạch 84 triệu đô la Mỹ, tăng 23,2% so với 10 tháng của năm 2016. Một số thị trường khác như Anh, Hàn Quốc, Hà Lan, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Malaysia đang cũng nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả của cả nước trong tháng 10 đạt 120 triệu đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam trong 10 tháng qua là 1,274 tỉ đô la Mỹ, tăng 92,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, Việt Nam đang xuất siêu về rau quả, với thặng dư là 1,586 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng qua.
Rau quả là hàng xuất khẩu chủ lực?
Chính vì giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này đã vượt cả xuất khẩu dầu thô, mà hồi đầu tháng 11 này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đề nghị đưa rau quả, nông sản lên thành nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết việc trái cây, nông sản Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội được bán tại các thị trường lớn và khó tính.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016, cả nước đã xuất khẩu 2,4 tỉ đô la Mỹ dầu thô, gạo đạt 2,15 tỉ đô la, cà phê đạt 3,3 tỉ đô la, thủy sản đạt 7 tỉ đô la, rau quả đạt 2,45 tỉ đô la. Như vậy, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả lớn hơn xuất khẩu dầu thô.
Dự báo năm 2020, giá trị xuất khẩu rau, hoa quả có thể đạt đến 10 tỉ đô la, tức là hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất.
Ông Nhân đề nghị nên xem các mặt hàng xuất khẩu như rau, hoa quả là sản phẩm xuất khẩu chủ lực quốc gia vì suốt 5 năm qua đã tăng trưởng vượt bậc và cần có những chính sách phù hợp đối với mặt hàng này trong chiến lược xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết mặc dù việc đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường 5-7 năm/mặt hàng), tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông thủy sản.
Cụ thể, Việt Nam đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào Mỹ; vải, xoài vào Úc; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand; các loại trái cây tươi vào ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Canada…
Hiện nay, bộ này vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Úc; thịt heo vào Trung Quốc, Philippines, Sinhgapore; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Singapore; xoài, vú sữa vào Mỹ; măng cụt, bưởi, mãng cầu (na) vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hùng Lê
(TBKTSG Online)