Nhờ đánh giá đúng xu hướng đầu tư, VietinBank đã có sự đầu tư bài bản để đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam. Năm 2017, hoạt động này tiếp tục được xác định là mũi nhọn để VietinBank triển khai sản phẩm, dịch vụ, củng cố vị thế là nhà băng hàng đầu đối với phân khúc khách hàng FDI.
Triển khai đúng hướng
Trên cơ sở định hướng của Ban lãnh đạo, Phòng Khách hàng FDI & Nguồn vốn quốc tế của VietinBank đã chủ động nghiên cứu và đề xuất những ngành nghề hưởng tác động tích cực của các hiệp định thương mại, có tiềm năng mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng FDI. Các ngành được xác định bao gồm: ngành sợi/dệt may/da giày; bất động sản; chế biến, chế tạo. Phòng cũng xác định các ngành trên sẽ là trọng điểm triển khai công tác tiếp thị trong năm 2016.
VietinBank hợp tác với nhiều khách hàng FDI lớn tại Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh, trong năm 2016, nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng cao với tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng đột biến. Tính đến ngày 26/12/2016, cả nước có 2.556 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 15 tỷ USD, tăng 27% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5.765 tỷ USD, tăng 50% về số dự án so với cùng kỳ 2015.
Đáng chú ý, trong dòng vốn FDI năm 2016, lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút đầu tư lớn nhất, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9,8 tỷ USD, chiếm đến 3/4 tổng số vốn đăng ký mới. Điều này cho thấy, xu thế các doanh nghiệp FDI lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất mới bên cạnh Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia truyền thống trong khu vực (theo số liệu của Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài).
Tiếp cận thành công nhiều khách hàng lớn
Với quyết tâm tập trung thiết kế các giải pháp toàn diện và đặc thù để tiếp cận các khách hàng hàng đầu trong các ngành nghề được ưu tiên, Phòng Khách hàng FDI & Nguồn vốn quốc tế đã tiếp cận thành công những khách hàng lớn nhất trong các lĩnh vực trọng điểm, góp phần thể hiện vai trò dẫn dắt của VietinBank trong việc phục vụ các khách hàng FDI lớn tại Việt Nam.
Các Dự án có quy mô đầu tư hàng tỷ USD đã nâng cao uy tín và củng cố vị trí của VietinBank là ngân hàng có quy mô dư nợ FDI hàng đầu. |
Một số đối tác, dự án đã được VietinBank tiếp cận thành công trong năm 2016 gồm: China Steel Sumikin, Aureumaex, Piaggio, LG Electronics (lĩnh vực chế biến, chế tạo); Amata Long Thành, Gamuda, Empire City, Nam Hội An, Tây Hồ Tây (lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp); BigC, Aeon, Takashimaya (lĩnh vực bán lẻ); Taekwang, Chang Shin, Pan Pacific (lĩnh vực dệt may và giày dép).
Các dự án có quy mô đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD đã nâng cao uy tín và củng cố vị trí của VietinBank là ngân hàng có quy mô dư nợ FDI hàng đầu. Đến cuối năm 2016, dư nợ phân khúc khách hàng FDI tại VietinBank tăng 34%, nguồn vốn tăng 33% so với năm 2015 và là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của phân khúc FDI, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt với sự vươn lên mạnh mẽ của các ngân hàng ngoài quốc doanh. Đạt được kết quả này, VietinBank ghi nhận sự đóng góp tích cực của các chi nhánh, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa chi nhánh và Phòng Khách hàng FDI & Nguồn vốn quốc tế.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết thêm các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Những yếu tố khách quan thuận lợi cùng chính sách ưu tiên của Ban lãnh đạo VietinBank, những cải cách về sản phẩm, hệ thống Core SunShine được đưa vào vận hành… sẽ là tiền đề cho những bước tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn của phân khúc khách hàng FDI.
Trần Hải Long