Trong hơn một tháng qua, việc Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) chi tổng cộng 228 tỷ đồng trả thưởng cho 3 người lần lượt trúng giải độc đắc 92 - 65 - 71 tỷ đồng đã tạo ra một hiệu ứng dư luận mạnh mẽ tại Việt Nam.
Xổ số Mega 6/45 của Vietlott được quảng bá là "xổ số kiểu Mỹ" tại Việt Nam.
Mặc dù, trong 6 tháng đầu năm 2016, Vietlott vẫn còn trong tình trạng thua lỗ, với doanh thu đạt 8,7 tỷ đồng, lỗ gần 4 tỷ đồng.
Là công ty trực thuộc Bộ Tài chính, năm 2015, Vietlott cũng chỉ có lợi nhuận trước thuế là 83 triệu đồng. Mức lương bình quân nhân viên đạt 13 triệu đồng, lãnh đạo là 21 triệu đồng. Tính đến 30/6/2016, công ty có tổng tài sản đạt 305 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ xuất phát điểm thua lỗ, tình thế đã thay đổi hẳn, khi Vietlott bắt tay với tập đoàn Berjaya (Malaysia) cho ra mắt loại hình xổ số tự chọn Mega 6/45.
Với tổng trị giá giải thưởng tối thiểu là 12 tỷ đồng, chi phí trả thưởng chiếm khoảng 55% doanh thu bán vé số, như vậy, trong khoảng 4 tháng qua, Vietlott đã phải bán tối thiểu khoảng 41,5 triệu vé, tương ứng với doanh thu 415 tỷ đồng, thì mới đủ chi phí trả thưởng cho 3 khách hàng may mắn vừa qua.
Theo các tính toán, xác suất trúng giải độc đắc của xổ số Mega 6/45 là 1/8.145.060. Trong hơn 8,1 triệu vé phát hành mới có 1 người trúng, với điều kiện mỗi vé là một dãy số khác nhau.
Mega 6/45 mới được Vietlott triển khai tại 6 tỉnh, thành phố thuộc miền Nam là TP. HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa. Đặt mức doanh số nói trên trong mối tương quan trong phạm vi 6 tỉnh thành, mới thấy sức hút đang rất lớn từ loại hình xổ số mới này.
Vietlott cũng đã khiến cuộc cạnh tranh trong ngành kinh doanh xổ số thêm khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp xổ số truyền thống lo lắng vì mất doanh thu, thậm chí còn tố cáo “sai phạm” của loại hình xổ số kiểu mới.
BẠCH DƯƠNG / VnEconomy