Số lỗ gần 73 tỷ đồng quý 1/2021 tương đương với 74% khoản lỗ của cả năm 2020 (98,9 tỷ đồng), đã đẩy Vietravel ra xa mục tiêu lãi 10 tỷ đồng cả năm 2021.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo tài chính Quý 1/2021 CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã VTR) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 277 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp giảm đến 81% so với quý 1/2020 xuống còn vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành giảm mạnh 88% so với cùng kỳ xuống còn 72 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu cung cấp dịch vụ khác tăng hơn 15 lần lên đạt 113,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 18,3% lên gần 30 tỷ đồng chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 8,5% lên 61,8 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng được tiết giảm 31% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với gần 6,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vietravel lỗ sau thuế hơn 72,8 tỷ đồng trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 71,5 tỷ đồng, con số kỷ lục trong một quý kể từ khi lên sàn năm 2019. Số lỗ quý đầu năm 2021 thậm chí tương đương với gần 74% khoản lỗ của cả năm 2020 (98,9 tỷ đồng). Kết quả này đào sâu thêm khoản lỗ luỹ kế của Vietravel lên mức 102,2 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 3/2021.
Năm 2021, Vietravel đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu dự kiến hơn 6.243 tỷ đồng, gấp 5 lần năm trước đồng thời kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này của Vietravel đang dần trở nên xa vời sau kết quả đáng thất vọng trong quý đầu năm.
Không chỉ kinh doanh bết bát, tình hình tài chính của Vietravel cũng gặp vấn đề khi doanh nghiệp này rơi vào tình trạng mất cân đối vốn (âm vốn lưu động ròng). Thời điểm 31/3, nợ ngắn hạn Vietravel đã vượt 250 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn. Thêm vào đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm hơn 31 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 1/2021, tổng tài sản của Vietravel đã tăng gần 10% so với đầu năm lên mức 2.043 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản chi phí trả trước ngắn hạn. Doanh nghiệp tiếp tuc duy trì đòn bẩy tài chính ở mức cao với tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính lên đến 1.211 tỷ đồng, tương đương 59% tổng tài sản. Điều này gây ra áp lực không nhỏ lên lợi nhuận trong bối cảnh hụt thu trầm trọng do dịch Covid-19.
Cuối năm ngoái, Vietravel đã có một nước đi đầy mạo hiểm khi cho ra mắt hãng hàng không Vietravel Airlines giữa thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Quá trình vận hành hãng hàng không này đang tiêu tốn của Vietravel quá nhiều nguồn lực, khiến khó khăn càng chồng chất khó khăn.