Vinacafe hiện đang dẫn đầu thị trường khi 1 năm qua tung ra 3 sản phẩm mới cho thị trường. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo của Vinacafe, dường như quy mô thị trường đang nhỏ lại, cho thấy người Việt đang dần giảm uống cafe hòa tan.
Ảnh minh họa.
Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm khi đang chiếm thị phần thống lĩnh tại các nhóm nước mắm, nước tương, tương ớt và cà phê hòa tan. Trong đó, Masan sở hữu thương hiệu cà phê thông qua công ty con là Vinacafé Biên Hòa (Vinacafe).
Theo báo cáo thường niên của Masan, Vinacafe đang chiếm 40% thị phần cà phê hòa tan. Đây là doanh nghiệp hoạt động rất ổn định trong suốt một thời gian dài, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn qua các năm. Chính vì thế mà cổ phiếu VCF của công ty là một trong số các mã có giá cao nhất trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ đông của Vinacafe có lẽ đang có chút hoang mang khi giá cổ phiếu liên tục sụt giảm. 10/11 phiên giao dịch gần đây, VCF chỉ giảm giá. Nếu cứ tiếp tục giảm giá như hiện nay, chỉ trong tháng 6, VCF sẽ xuống mức giá thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu VCF. Nguồn: VnDirect
Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu VCF giảm được cho là vì kết quả kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Theo báo cáo tài chính năm 2015, VCF đạt gần 3.100 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm tới 26%, xuống 295 tỷ đồng.
Quan trọng hơn cả, VCF vừa báo lỗ 2 tỷ đồng trong quý I/2016. Đây là điều gây bất ngờ cho cổ đông VCF bởi lịch sử của công ty chưa từng thua lỗ.
Lợi nhuận Vinacafe giảm năm 2015 và báo lỗ quý I/2016
Giải thích nguyên nhân lợi nhuận đi xuống, Masan cho biết, giá cà phê nguyên liệu đầu vào năm 2015 diễn biến thất thường, khiến công ty phải chốt các hợp đồng dài hạn với mức giá cao hơn so với mức giá bình quân.
Bên cạnh đó, việc tung một số sản phẩm mới ra thị trường, như Nước tăng lực trà xanh F247, Cà phê sữa đá Wake up Sài Gòn, Vinacafe' Chất, đã khiến công ty phải chi nhiều tiền cho các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi cho các sản phẩm này. Năm 2015, chi phí quảng cáo và khuyến mãi của Vinacafe lên tới 437 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 2/3 chi phí bán hàng.
Tuy chi nhiều tiền nhưng kết quả thu lại của các dòng sản phẩm cafe này lại chưa được như ý, tiêu biểu là dòng Wake-up. Chính Vinacafe cũng tự thừa nhận, sản phẩm Cà phê sữa đá Wake up tuy được thiết kế với hương vị ngọt béo để phù hợp với khẩu vị của khách hàng miền Tây Nam Bộ, nhưng sau 6 tháng ra mắt lại chưa được như kỳ vọng ban đầu.
Còn đối với Vinacafe' Chất, sản phẩm này mới ra thị trường hồi cuối năm 2015, do đó, chưa đủ thời gian để đưa ra các kết luận. Tuy nhiên, Masan cho biết, chi phí đầu tư cho việc tiếp thị, quảng bá, xây dựng hình ảnh ban đầu đối với Vinacafe' Chất là rất lớn. Theo Masan, sản phẩm Vinacafe' Chất bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, nhưng do là nhãn hàng mới nên cần thêm nhiều thời gian để phát triển.
Hình ảnh tại buổi ra mắt vinacafe chất tháng 12/2015
Trong khi sản phẩm Wake up không đem lại kết quả và sản phẩm Chất chưa đủ thời gian đánh giá, mới đây, Masan đã tiếp tục phát đi thông báo tung ra thị trường thêm một sản phẩm mới: "Phin Điện" Café de Nam. Đây là sản phẩm được Masan giới thiệu là chỉ cần đặt viên cà phê rang xay vào máy, bấm nút và chờ 45 giây ủ sẽ có một tách cà phê nguyên chất 100% với nhiều kiểu thưởng thức truyền thống như cà phê đen, cà phê đen đá, cà phê sữa đá...
Như vậy, với việc liên tiếp tung 3 sản phẩm cà phê ra thị trường trong vòng chưa đầy 1 năm, Masan đang tỏ rõ quyết tâm muốn chiếm thêm thị phần cà phê hòa tan trong nước (hiện đang ở mức 40%). Để đạt được điều đó, Masan sẽ cần tiếp tục chi thêm tiền để quảng bá, marketing cho sản phẩm của mình, để tạo tiếng vang trên thị trường, vốn đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Sự khốc liệt có thể nhìn thấy rõ, bởi cà phê gần như là món đồ uống không thể thiếu đối với lượng lớn dân văn phòng. Chính vì thế, các quán cà phê liên tục mọc lên như nấm và các hãng cà phê lớn cũng liên tục tham gia thị trường. Vinacafe của Masan hiện đang đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh, từ lớn đến nhỏ như Starbuck, Phindeli, Nestle, Trung Nguyên, Dao Heuang Group, Thái Hòa, An Thái...
Ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe cho biết, các sản phẩm mới tung ra chỉ có tỷ lệ thành công khoảng 20%, nhưng nếu không tung sản phẩm mới thì không thể tăng trưởng.
Theo kế hoạch, năm 2016 Vinacafe sẽ cố gắng giữ vững vị trí dẫn đầu bằng 2 sản phẩm Vinacafe' Chất và Wake-up. Trong đó, sản phẩm Vinacafe' Chất sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng nhãn hiệu. Dường như Masan đang rất lạc quan về Vinacafe' Chất và không đặt nhiều kỳ vọng vào dòng Wake-up.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Tân Kỷ cho biết, công ty hiện vẫn đang duy trì được thị phần nhưng doanh số không như kỳ vọng. Việc doanh số giảm trong khi thị phần không đổi cho thấy, dường như quy mô thị trường cà phê hòa tan Việt Nam đang nhỏ lại, hay nói cách khác, phải chăng người Việt đang dần chuyển từ cafe hòa tan sang các loại đồ uống khác?
(Theo Trí Thức Trẻ)