Vinamilk kỳ vọng doanh số của hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế sẽ chiếm 50% so với doanh thu nội địa trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinamilk cho thấy công ty sữa này vẫn đang nắm giữ 442 tỷ đầu tư vào ngân hàng TMCP Bảo Việt. Tuy nhiên tại ngày 31/12/2015, Vinamilk đã hạch toán khoản 448 tỷ đồng trong mục phải trả ngắn hạn, đây là khoản nhận trả trước từ một bên thứ ba về việc chuyển nhượng trong tương lai khoản đầu tư của Vinamilk vào BaoViet Bank. Tại ngày báo cáo việc chuyển nhượng này vẫn chưa hoàn tất.
Trong 10 năm qua, doanh thu của Vinamilk đã tăng gấp 7 lần từ 5.660 tỷ lên 40.223 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng 12 lần từ 605 tỷ lên 7.770 tỷ, bình quân mỗi năm tăng trưởng 29%/năm. Tổng tài sản của Vinamilk ở thời điểm 31/12/2015 đạt gần 27.480 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 20.924 tỷ đồng. Vinamilk hiện có hơn 8.200 tỷ tiền gửi có kỳ hạn (tăng 1.300 tỷ trong năm 2015) và 490 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2015, giá nguyên vật liệu sữa giảm mạnh đã giúp lợi nhuận gộp của công ty đạt múc 40% trong khi năm trước chỉ đạt 32%. Tuy nhiên do canh tranh trong ngành sữa gay gắt nên chi phí bán hàng đặc biệt là chi phí quảng cáo tăng vọt lên 16% tổng doanh thu, tăng 70% so với năm trước.
Mục tiêu của Vinamilk muốn trở thành doanh nghiệp trong bảng 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017, tuy nhiên khi Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có Vinamilk.
Vinamilk hiện có 13 nhà máy sản xuất, 2 công ty kho vận và có 243 nhà phân phối độc quyền trên cả nước, phân phối cho 212.000 điểm bán lẻ.
Xuất khẩu hiện đóng góp khoảng 13% tổng doanh thu hợp nhất của công ty, xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vinamilk kỳ vọng doanh số của hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế sẽ chiếm 50% so với doanh thu nội địa trong vòng 5 năm tới.
Theo Hoàng Ly / Người đồng hành