Ngày 18/3, Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Việc khởi công nhà máy này nằm trong chiến lược của Vinasoy hướng tới mục tiêu sản lượng 390 triệu lít/năm vào cuối năm 2016 và đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Nhà máy Vinasoy tại Bình Dương có mức đầu tư 900 tỷ đồng, được trang bị công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất thiết kế 180 triệu lít/năm, trong đó giai đoạn 1 với công suất 90 triệu lít/năm, dự kiến sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 11/2016.
Trước đó, vào tháng 8/2015, Vinasoy đã hoàn tất 2 giai đoạn đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh có công suất 180 triệu lít/năm. Với hai nhà máy tại Quảng Ngãi và Bắc Ninh, cung cấp cho thị trường mỗi năm 300 triệu lít sữa đậu nành, tương ứng 1,5 tỷ hộp sữa/năm.
Vinasoy hiện đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam với 84,2% thị phần toàn quốc (theo thống kê nghiên cứu thị trường của The Nielsen Việt Nam - tháng 12/2015). Tổng doanh thu của Vinasoy năm 2015 đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2014.
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết, nhà máy tại Bình Dương là nhà máy thứ hai được Vinasoy đầu tư hiện đại tầm cỡ thế giới. Sau khi nhà máy tại Bình Dương hoàn thành giai đoạn 1, tổng công suất của Vinasoy đạt mức 390 triệu lít/năm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam sẽ đón nhận gần 2 tỉ sản phẩm mỗi năm, từ đó đáp ứng nhanh chóng và kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng lành. Với nhà máy này, Vinasoy trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sở hữu 2 nhà máy được đầu tư quy mô hiện đại bậc nhất trong Top 5 nhà máy sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới hiện nay.
Cũng theo ông Tụ, Vinasoy đóng vai trò như một “mắt xích chiến lược” vừa gia tăng nguồn cung tới người tiêu dùng, vừa thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu sử dụng đậu nành nguyên liệu trong nước. Nhờ vậy, một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực vào năm 2018, nông sản Việt, mà cụ thể là đậu nành, sẽ có chỗ đứng, gián tiếp khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ TPP nói chung.
Việc đầu tư một nhà máy mới tại Bình Dương sẽ giúp Vinasoy rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng phía Nam. Tuy nhiên, đại diện của Vinasoy cũng chia sẻ, việc đầu tư này nằm trong chiến lược của doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ASEAN có quy mô dân số hơn 600 triệu dân. Đây là một thị trường rất tiềm năng và là cơ hội để Vinasoy phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Vinasoy đã trao 5 tỉ đồng cho Quỹ Khuyến học sữa đậu nành Việt Nam, nâng tổng giá trị tài trợ cho Quỹ lên 10 tỷ đồng (tương đương 3 triệu suất sữa đậu nành). Qua đó, Vinasoy tiếp tục thực hiện chương trình Sữa đậu nành học đường, cấp phát miễn phí nguồn dinh dưỡng lành cho trẻ em vùng sâu vùng xa trên toàn quốc, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và nâng cao thể trạng trẻ em Việt Nam.
Hồng Sơn / baodautu.vn