Nhờ biết tận dụng tối đa lợi thế, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự tăng trưởng vượt bậc, từ một tỉnh nghèo, đã trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư. Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã xác định, mục tiêu của tỉnh là sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Honda là một trong những tập đoàn đầu tư nước ngoài thành công tại tỉnh Vĩnh Phúc
Vươn lên từ khó khăn
Theo ông Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhớ lại thời điểm sau khi tách tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ vào năm 1997, khi ấy Vĩnh Phúc được coi là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, với thu ngân sách chỉ đạt 100 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, sau gần 20 năm, nhờ biết tận dụng tối đa lợi thế nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, đồng bằng Sông Hồng. Đặc biệt, lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài và nhiều thắng cảnh du lịch nổi tiếng, những năm qua kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa qua, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,36%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 62,12%; dịch vụ chiếm 28,11% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 9,77%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt cao, từ năm 2004 tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương. Năm 2015, thu ngân sách của tỉnh đạt 25.430 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người vào cuối 2015 đạt 67,1 triệu đồng/ người/ năm, gấp 1,56% so với đầu nhiệm kỳ.
Mặc dù thu ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, song 2 tháng đầu năm 2016, thu ngân sách toàn tỉnh đạt 5.924 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm. Các chính sách an sinh xã hội đặc biệt được chú trọng và thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục, hiện chỉ còn chưa tới 2,5%.
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 815 dự án đầu tư trong và ngoài nước, các dự án đầu tư hoạt động hiệu quả và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 2/2016, địa phương này đã thu hút được gần 300 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án của những tập đoàn lớn trên thế giới như: Honda, Toyota, Piagio, và gần đây nhất là Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư tại KCN Bình Xuyên.
Ông Nguyễn Văn Trì- Phó Bí thư tỉnh Ủy- Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc: Tỉnh Vĩnh Phúc coi nhà đầu tư là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh.
Trong đó, để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Văn Trì cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng tối đa lợi thế vốn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận tiện, đặc biệt là lợi thế từ tuyến đường sắt và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, không quên tạo ra những lợi thế riêng của tỉnh thông qua việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý hành chính. Theo đó, chú trọng đến việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm làm ăn và thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh thông qua việc tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp (KCN), hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Theo Nguyễn Hòa / baocongthuong.com.vn