Khẳng định với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, chú trọng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đang là một trong những chủ trương lớn của tỉnh. Để thực hiện chủ trương này, năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có nhiều hoạt động nổi bật nhằm hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trên địa bàn.
Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản có mặt tại Vĩnh Phúc
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã thu hút 231 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,58 tỷ USD đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đứng thứ 3 về số dự án và số vốn đăng ký với 26 dự án và 786 triệu USD; dẫn đầu về tỷ lệ vốn FDI thực hiện, với tổng vốn thực hiện đạt trên 88,10% tổng vốn đăng ký.
Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí; khuôn mẫu; linh kiện điện tử... Trong đó, rất nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản đã có mặt từ rất sớm và gặt hái nhiều thành công tại tỉnh Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota, Sumimoto... Điển hình là Công ty Honda Việt Nam, đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1996. Từ số vốn đầu tư ban đầu 104 triệu USD, đến nay Honda đã 6 lần tăng vốn, đưa tổng vốn đầu tư lên tới 410 triệu USD.
Ông Lê Duy Thành nhận định, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, các công ty Nhật Bản đầu tư tại Vĩnh Phúc cũng rất coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực và cộng đồng chung, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội và đời sống nhân dân. Trong đó, Công ty Toyota Nhật Bản đã đóng góp cho các hoạt động xã hội của Việt Nam với số tiền trị giá trên 15 triệu USD. Thông qua các hoạt động của mình, Toyota đã tăng cường các hoạt động cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam ổn định, lâu dài trên quy mô lớn.
Tăng cơ hội hút vốn đầu tư
Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động, tạo ấn tượng mạnh với nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó phải kể đến việc Vĩnh Phúc đã thuê Công ty Tư vấn Nhật Bản Nikken Sekkei xây dựng đồ án quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cuối năm 2015, Tập đoàn Sumimoto, Nhật Bản cũng đã chính thức được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh Dự án Hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc - khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tổng diện tích 213ha. Dự án này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2017. Tại Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản diễn ra vào đầu năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết: “Đây là những bước đi rất tốt, giúp tỉnh Vĩnh Phúc thu hút thêm các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong thời gian tới”.
Bên cạnh những hoạt động trên, để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, tỉnh Vĩnh Phúc đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường kết nối, vận động các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh. Giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đến Vĩnh Phúc khảo sát môi trường đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tạo cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc tham dự các buổi Hội thảo, Diễn đàn do JCCI tổ chức, nhằm giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến với đông đảo các nhà đầu tư Nhật Bản.
Năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thành lập Tổ xúc tiến đầu tư Nhật Bản (Japan Desk) nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang có kế hoạch đầu tư tại tỉnh. |
Nguyễn Hòa / baocongthuong