Thị trường bán lẻ Việt Nam đang cực kỳ sôi động với sự tăng trưởng mạnh của những cái tên cũ và sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi mới. 7-Eleven vào Việt Nam sẽ gặp những thách thức cực lớn từ các thương hiệu đang hiện diện trên thị trường.
Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường đầy màu mỡ đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Kể từ khi gia nhập WTO năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hoá tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 20%, là quốc gia tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực ASEAN.
Báo cáo của một công ty chứng khoán cho biết, năm 2015 giá trị thị trường bán lẻ đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 100 tỷ USD. Đó là lý do thị trường bán lẻ những năm gần đây bùng nổ, với sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu bán lẻ, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị khác nhau.
Điều đáng chú ý là, những cái tên tham gia thị trường bán lẻ thời gian gần đây không còn đơn thuần là những doanh nghiệp chỉ chuyên bán lẻ, mà thị trường trăm tỷ đô này còn chứng kiến sự tấn công của các tập đoàn lớn, với nguồn lực tài chính khổng lồ.
Điều đó có nghĩa, các thương hiệu bán lẻ chậm chân sẽ phải rất vất vả để có được vị trí trên thị trường. Đơn cử như 7-Eleven, chuỗi cửa hàng của Nhật Bản này đã vươn mình mạnh mẽ trên thế giới và đang rục rịch tuyển nhân sự tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, 7-Eleven sẽ vừa phải đương đầu với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị dày dạn kinh nghiệm như Shop&Go (đã hoạt động 11 năm trên thị trường), Circle K (8 năm), B's Mart (tiền thân là Family Mart - 7 năm), Ministop (5 năm).
Thế nhưng, mối đe dọa lớn nhất của 7-Eleven lại nằm ở những tập đoàn lớn, với nguồn lực tài chính khổng lồ, muốn phân chia miếng bánh béo bở trong thị trường bán lẻ như VinGroup, Thế Giới Di Động và thậm chí có thể là FPT, Vinamilk.
VinGroup và Thế Giới Di Động đã nhập cuộc. Ngành nghề chính, đóng góp lớn nhất cho doanh thu và lợi nhuận của VinGroup vẫn là bất động sản nhưng những năm gần đây, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang mạnh tay chi tiền cho bán lẻ, chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu tư để chiếm thị trường.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, lãnh đạo Vingroup cho biết, họ đang chiếm thị phần bán lẻ lớn nhất, có tốc độ phát triển nhanh nhất với khoảng 1.000 siêu thị - cửa hàng tiện ích Vinmart và Vinmart+ trên khắp cả nước. Vị lãnh đạo này cũng tự tin khẳng định, Vingroup sẽ tạo lập một thương hiệu bán lẻ Việt đủ tầm vóc đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vinmart và Vinmart+ "ở tâm thế sẵn sàng cạnh tranh", theo lời của lãnh đạo Vingroup, và chắc chắn 7-Eleven sẽ rất vất vả nếu muốn vươn lên ở thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, đối với Thế Giới Di Động từ vị trí chuyên kinh doanh điện thoại, điện máy ông Nguyễn Đức Tài đã nhảy sang mở chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, bán kem đánh răng, dầu gội đầu, rau củ quả..., gây bất ngờ cho nhiều người.
Theo ông Tài nhận, thị trường của mảng kinh doanh này lớn gấp 10 lần điện thoại và điện máy cộng lại. Thị trường lớn và còn tiềm năng phát triển, tội gì không làm!
Mặc dù vậy, tương tự như Vingroup, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đang thua lỗ và mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, mục đích kiểm tra xem khách hàng có thích mô hình bán lẻ này hay không. Sang giai đoạn 2, Bách Hóa Xanh sẽ kiểm tra tiếp xem có các cửa hàng có tự nuôi được mình hay không.
Nếu thành công, năm 2017 sẽ là năm ông Tài mạnh tay mở rộng Bách Hóa Xanh trên cả nước. Nếu nhìn vào tốc độ mở của chuỗi Thegioididong.com, có thể đoán được rằng, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng sẽ nhanh chóng phủ kín các tỉnh thành trên cả nước, tương tự như các cửa hàng Vinmart+.
FPT cũng hoàn toàn có thể sẽ tham gia thị trường bán lẻ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, thế mạnh cốt lõi của FPT Retail là know-how mở chuỗi và quản trị chuỗi bán lẻ, vì vậy FPT Retail sẽ nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp vào các chuỗi bán lẻ mới, ngành nghề mới có tiềm năng.
Dẫn chứng rõ ràng nhất là FPT vừa hợp tác với Vinamilk để phân phối sữa tại các cửa hàng FPT Shop, dù việc bán điện thoại và bán sữa hoàn toàn không có điểm chung nào.
Vingroup xây nhà giá rẻ, Hoa Sen đi làm bất động sản, Hòa Phát đi nuôi lợn, Thế Giới Di Động đi bán rau, FPT đi bán sữa, Thaco đi làm nông nghiệp... Những doanh nghiệp lớn đang thay đổi với những hướng đi ít ai ngờ tới.
Vì vậy, rất có thể trong tương lai không xa, nếu ông chủ của các tập đoàn lớn có hứng thú, thị trường bán lẻ sẽ xuất hiện những tay chơi mới, những đại gia với túi tiền rủng rỉnh, sẵn sàng lao vào cuộc chiến khốc liệt trên miếng bánh trăm tỷ USD..
Những đối thủ đáng gờm này sẽ khiến 7-Eleven "vã mồ hôi" khi tấn công thị trường Việt Nam
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ