Một vài hãng bán lẻ địa phương như VinMart của Việt Nam và SM Retail của Philippines đang mở rộng hoạt động và từng bước xây dựng vị thế dẫn đầu thị trường.
Thị trường bán lẻ cửa hàng ở châu Á hiện lớn nhất thế giới với dự đoán tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt mức 6,3% cho tới năm 2021 theo dữ liệu nghiên cứu của IGD. Kích thước thị trường này ở châu Á được dự đoán sẽ đạt 4,8 nghìn tỷ USD tới năm 2021 - tương đương với mức của cả khu vực châu Âu và Bắc Mỹ gộp lại.
Riêng về cửa hàng tiện lợi, IGD dự đoán đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong vòng 4 năm tới, trong đó Việt Nam (37,4%), Philippines (24,2%) và Indonesia (15,8%) dựa trên hiệu quả hoạt động của các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất ở mỗi thị trường.
IGD đã mở rộng nghiên cứu và tìm ra những điểm quan trọng và rất hữu ích cho tất cả những ai đang làm trong lĩnh vực chuỗi cung ứng trong khu vực. Tuy nhiên, dường như những tính toán của IGD chưa kể tới những thị trường tăng trưởng tốt như Thái Lan và xếp hạng nước này ở mức thấp. Có thể đánh giá IGD đưa ra những kết quả nghiên cứu tốt nhưng lại đang chú trọng tới tốc độ tăng trưởng thay vì những đổi mới đáng kể ở mỗi thị trường khác nhau.
Nick Miles – chủ tịch IGD châu Á Thái Bình Dương nói: “Thị trường bán lẻ ở 3 quốc gia này đang dần chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang hiện đại và có nhiều yếu tố thúc đẩy quá trình này: Triển vọng kinh tế tốt, tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng đáng kể, nới lỏng quy định thị trường khuyến khích đầu tư nước ngoài và thói quen người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.
“Trong số tất cả những kênh bán lẻ vật lý, cửa hàng tiện lợi cho thấy triển vọng tốc độ tăng trưởng tốt nhất ở châu Á nhờ vào tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ ngày càng tăng và thu nhập đầu người cũng cải thiện”.
Trao đổi về dự đoán tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam, ông Miles nói rằng: “Cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ưa thích cho người tiêu dùng trẻ tuổi, bởi có điều hòa, kệ hàng bố trí thông minh và chỗ ngồi, những sản phẩm chất lượng cao và thậm chí ở một vài cửa hàng còn có wifi miễn phí”.
Việt Nam, Philippines và Indonesia có chung yếu tố khiến họ trở thành những thị trường phổ biến cho sự phát triển của cửa hàng tiện lợi đó là:
“Sự mở rộng nhanh chóng của các cửa hàng. Cả 3 thị trường này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng các cửa hàng. Ví dụ, số lượng các cửa hàng tiện lợi được vận hành bởi 5 nhà bán lẻ hàng đầu tại Philippines đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Cũng như vậy, các nhà bán lẻ đang dần chuyển đổi sự tập trung của họ từ các thành phố, thủ đô sang các vùng nông thôn với tiềm năng lớn hơn".
Những đối thủ ở địa phương cũng đang dần mạnh hơn. Thị trường cửa hàng tiện lợi ở châu Á vốn thống trị bởi những hãng bán lẻ Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều thị trường đang được củng cố lại, đáng chú ý có một vài hãng bán lẻ địa phương như VinMart của Việt Nam và SM Retail của Philippines đang mở rộng hoạt động và từng bước xây dựng vị thế dẫn đầu thị trường.
Những siêu thị mini cũng đang dần trở nên phổ biến. Khác với những mô hình cửa hàng tiện lợi hiện đại, các nhà bán lẻ địa phương như Indomaret của Indonesia và Dairy Farm's Welcome của Philippines cũng đang phát triển thành công mô hình siêu thị mini nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Những chuỗi siêu thị mini này phổ biến rộng từ 150 – 300 m2 và tập trung vào những loại thực phẩm tươi, rau củ và thức ăn cho buổi tối.
Ông Miles nói thêm rằng: “Tổng thể những thị trường phát triển quan trọng của khu vực, chúng tôi kỳ vọng có thể chứng kiến các hãng bán lẻ và nhà sản xuất gia tăng các khoản đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, đổi mới sản phẩm và áp dụng những mô hình mới như food-to-go và trên hết hợp tác để đảm bảo họ đang tận dụng được hết tiềm năng tăng trưởng tốt này.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/BangkokPost