Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 30 máy bay vào năm 2025.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đóng góp ý kiến đối với Dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.
Hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực hàng không đảm bảo cho nhu cầu hình thành, hoạt động và phát triển một hãng hàng không là một trong các nội dung được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá Dự án có tính khả thi của
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án đã nêu được các nội dung cần có để thực hiện kinh doanh vận chuyển hàng không với các báo cáo, tài liệu chứng minh cho tính khả thi của Dự án Vinpearl Air, trong đó đáng chú ý là năng lực tài chính của chủ đầu tư, hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực hàng không đảm bảo cho nhu cầu hình thành, hoạt động và phát triển một hãng hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án này đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 30 máy bay vào năm 2025.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Hãng hàng không Vinpearl Air, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cục Hàng không khẳng định sẽ quản lý chặt kế hoạch phát triển đội máy bay đến năm 2025 của Vinpearl Air nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đảm bảo số lượng máy bay khai thác của các hãng hàng không phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ...
Trước đó, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty CP Hàng không Vinpearl Air được thành lập từ 22-4-2019, địa chỉ trụ sở chính tại quận Long Biên, TP Hà Nội (trong khu Vinhomes Riverside Long Biên của Tập đoàn Vingroup). Công ty này có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không.
Ngày 9-7, Tập đoàn Vingroup cho biết quyết định mở trường đào tạo phi công và thợ máy nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực; góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đào tạo các nhân sự khác trong ngành hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay….
Ngày 16-8, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công. Học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo trong 26 tháng, có cơ hội liên thông lên Đại học chuyên ngành quản trị Hàng không và được đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp. Ngoài ra, học viên còn được tham gia chương trình hỗ trợ học phí, với mức hỗ trợ tối đa lên đến 50.000 USD/người và được ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 75% gói học phí.
Cùng với đó, Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội nhận được văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kèm theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Căn cứ theo quy định hiện hành, cơ quan này đã gửi hồ sơ của doanh nghiệp tới các bộ ngành liên quan như các Bộ GTVT,KH-ĐT, Tài nguyên Môi trường, Quốc phòng, Tài chính cùng Sở Tài chính Hà Nội để xin ý kiến.
Các bộ ngành sẽ xem xét, có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Vinpearl Air theo nội dung mà bộ ngành mình quản lý và các vấn đề khác cần lưu ý, quan tâm. Sau đó, Sở KH-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp, chuyển UBND TP Hà Nội để trình Thủ tướng. Về phía Bộ GTVT, đã giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air.
Theo Dự án, Công ty Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài, sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7-2020 với đội máy bay 6 chiếc. Trung bình hằng năm Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác 6 máy bay và đến năm 2025 đội bay đạt 36 chiếc. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, do đó quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay. Vinpearl Air dự kiến khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787. Đến năm 2025, Vinpearl Air dự kiến khai thác mạng đường bay bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. |
Theo D.Ngọc (NLĐO)