Dù vẫn có sự tăng trưởng song Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm không được như kỳ vọng.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 12,6 triệu USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức tăng trưởng kim ngạch thấp nhất của ngành trong vòng trong 10 năm trở lại đây. Đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực từ giá đến thị trường xuất khẩu, công nghệ quản trị, năng suất lao động, thời gian giao hàng. Bên cạnh đó các rào cản kỹ thuật từ các nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam cũng như những khó khăn bắt nguồn từ cơ chế chính sách cũng khiến cho hoạt động của các DN xuất khẩu dệt may thêm chồng chất khó khăn.
Ngoài các khó khăn nêu trên, Vitas cũng cho biết, ngành dệt may đang thiếu 3 nguồn lực trọng tâm. Cụ thể, nguồn lực làm công tác thị trường còn yếu khiến cho phần lớn các DN xuất khẩu dệt may vẫn phải nhận đơn hàng từ các công ty trung gian ở nước ngoài. Tỷ trọng các DN việt Nam đang bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài còn ít và tỷ trọng DN làm gia công còn chiếm đa số. Cùng với đó, trong khi các FTA với Mỹ và EU còn chưa có hiệu lực, nhiều nước tại châu Á đã có những động thái thu hút đơn hàng như Banglades, Campuchia, Lào và Myamar do các nước này đã được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA với các thị trường nhập khẩu trong khi hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải chịu thuế suất nhập khẩu từ 17-18%. Theo ghi nhận của Vitas, trong 6 tháng đầu năm nay đã có sự chuyển dịch khá lớn đơn hàng dệt may từ Việt Nam sang các nước này.
Do đó, trong 6 tháng cuối năm, thách thức vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh. Để duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững cho ngành dệt may, Vitas sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành đối với các chính sách của ngành dệt may cần tạo ra sự ổn định về hành lang pháp lý cả trong ngắn và dài hạn. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần tạo ra động lực phát triển dài hạn cho ngành dệt may thông qua việc quy hoạch những khu công nghiệp đủ khả năng kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, có quy mô đảm bảo các yêu cầu về nước thải và môi trường để đảm bảo tính lâu dài cho các dự án trọng điểm của ngành đặc biệt là cho các khâu dệt, sợi, nhuộm.
Mai Ca / baocongthuong.com.vn