Cả VNPT và Viettel đều đang chuẩn bị bước vào một “mặt trận mới”: Xây dựng Thành phố thông minh (Smart City) cho các địa phương.
Khởi động cuộc đua mới
Trong tháng 2/2017, tỉnh Lào Cai đã làm việc với cả VNPT và Viettel để nghe 2 tập đoàn này giới thiệu việc xây dựng Thành phố thông minh tại Lào Cai.
Theo đó, ngày 15/2, Viettel đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lào Cai để giới thiệu phần mềm xây dựng đô thị thông minh và đề xuất chương trình hợp tác. Ngày 23/2, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cũng đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lào Cai giới thiệu giải pháp phần mềm xây dựng đô thị thông minh tại Lào Cai và đề nghị tỉnh lựa chọn VNPT là đối tác chiến lược. Thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Lào Cai vẫn chưa quyết định lựa chọn VNPT hay Viettel.
Tại Thủ đô Hà Nội, nơi đặt lộ trình đến năm 2030 trở thành Thành phố thông minh và cần 60.000 tỷ đồng để thực hiện, thì từ năm 2014 đến nay, cả Viettel và VNPT đều đã tiếp cận “chào hàng”. Mới đây nhất, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thành phố, cũng đã đề nghị Viettel chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hợp tác xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố và đề nghị Tập đoàn VNPT nghiên cứu, tiếp tục triển khai hạ tầng mạng truyền dẫn trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống du lịch thông minh.
Thời điểm hiện tại, Viettel đã ký hợp tác xây dựng Smart City với 9 địa phương: Phú Thọ, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Hưng Yên và Đà Nẵng. Còn VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Smart City với các địa phương: TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Mỹ Tho (Tiền Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk…
Smart City có phải “miếng bánh ngọt”?
Hiện nay, thế giới cũng chưa định nghĩa được Smart City là gì. Nhưng mục tiêu của nó tương đối rõ, là quản lý năng lượng, giảm hiệu ứng khí thải, tăng cường an toàn công cộng hoặc cung cấp dịch vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT: “Ba đối tượng chính được phục vụ trong Smart City là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... Với doanh nghiệp, môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh... Với chính quyền, giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên..., thu được nhiều thuế từ các doanh nghiệp, người dân”.
Như vậy, Smart City chính là một giải pháp công nghệ tổng thể cho một địa phương, ứng dụng CNTT tiên tiến nhất trong các lĩnh vực: chính quyền điện tử; môi trường, nước, năng lượng; giao thông; quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng; giáo dục; y tế và an sinh xã hội; an ninh xã hội và phát triển văn hóa du lịch.
Và với ý nghĩa đó, Smart City không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn mang ý nghĩa cho một địa phương năng động, hiện đại, hiệu suất cao. Đối với các tập đoàn như Viettel, VNPT thì Smart City là tiền, là doanh thu và là thước đo xem ai là nhà cung cấp dịch vụ tiên tiến, hiện đại hơn. Có lẽ vậy, cuộc đua cung cấp Smart City cho các địa phương đã trở thành “miếng bánh ngọt” cho các nhà mạng.
Hữu Tuấn / baodautu