Hội nhập sâu mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu, nhưng đi kèm theo đó là không ít thách thức, rủi ro, đòi hỏi sự hiểu biết và chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp nếu không muốn thất bại.
Quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu của các thị trường Mỹ và EU rất ngặt nghèo, nếu lơ là trong việc tuân thủ và cập nhật các thông tin, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn. Ảnh: Chính Phong.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc từ Tổ chức phi chính phủ Forest Trends (Mỹ) tại buổi tọa đàm “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” ở TPHCM ngày 30-5 kể một câu chuyện để minh họa một góc nhìn về những rủi ro đó.
Một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đồ gỗ nhập khẩu gỗ căm xe từ Lào về sản xuất đồ nội thất và xuất khẩu sang Mỹ. Phía Mỹ từ chối lô hàng này với lý do lượng gỗ căm xe này được khai thác từ dự án thủy điện, mà quá trình xin phép và thực hiện dự án này liên quan đến một số vấn đề như vi phạm các quy định có liên quan đến cộng đồng, và các khoản thuế phí…
Câu chuyện kể của tiến sĩ Tô Xuân Phúc cho thấy mức độ rủi ro mà những nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam phải đối mặt rộng đến thế nào, kể cả trực tiếp và gián tiếp.
Từ năm 2012 đến nay, Forest Trends cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) thực hiện phân tích ngành gỗ và đã chỉ ra nhiều loại rủi ro trong các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu gỗ. Càng hội nhập sâu qua các hiệp định thương mại tự do như TPP và EVFTA, những điều cần tuân thủ thật nghiêm cẩn để tránh rủi ro với các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu càng nhiều.
Sản phẩm gỗ Việt Nam hiện được tiêu thụ tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng các quy định ngặt nghèo lớn nhất đến từ các thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU. Theo đó, các doanh nghiệp phải nắm rất rõ về Đạo luật Lacey của Mỹ, quy định gỗ của châu Âu EUTR, quy định quốc tế FLEGT VPA.
Đạo luật Lacey ra đời năm 2008 quy định về xuất xứ gỗ là phạm pháp nếu trộm gỗ từ vườn quốc gia và khu bảo tồn, khai thác gỗ không có giấy phép, không tuân thủ quy định về khai thác, không trả tiền thuê đất và các loại thuế phí khi trồng cây lấy gỗ…
Ngoài việc phải kiểm soát rủi ro về nguồn gốc nguyên liệu nêu trên, doanh nghiệp còn phải kiểm soát rủi ro liên quan đến sử dụng lao động, tuân thủ môi trường, biến động tỷ giá… và các loại “rủi ro mới” do không chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin từ các thị trường bên ngoài. Thí dụ, một khảo sát của Forest Trends với mẫu là một số doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu cho thấy họ sử dụng 39% người lao động nằm ngoài độ tuổi lao động, 46% người lao động có hợp đồng lao động dưới một năm.
Bên cạnh các rủi ro tổ nghiên cứu đề ra, tự thân các doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng nhận diện ra nhiều loại rủi ro khác.
Ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty TEKCOM, kể kinh nghiệm của công ty ông khi bị kiện bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn điều tra đến công ty, họ yêu cầu điều tra sổ sách từ bốn năm trước đó, rồi mới kết luận công ty không vi phạm. Ông Huy kết luận, nếu không chuẩn bị kỹ về hồ sơ, rất dễ thua kiện. Thua kiện thì không chỉ là rủi ro cho một doanh nghiệp, mà là rủi ro cho cả ngành.
Rủi ro khác ông Huy nêu liên quan đến gian lận thương mại. Có một số doanh nghiệp Trung Quốc muốn tránh kiện bán phá giá đã xuất hàng sang Việt Nam, dán mác Việt Nam rồi xuất đi. Doanh nghiệp Việt Nam nào tham lợi, dính đến hoạt động trung gian này cũng sẽ gây tổn hại cho cả ngành.
Chảy máu nguồn nguyên liệu cũng là một rủi ro đáng kể, đặc biệt là tại các tỉnh phía bắc, nơi tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu tiểu ngạch rất trầm trọng. Ông Huy nêu dẫn chứng là tại Hà Giang, có nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt Nam không cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc thu mua gỗ nguyên liệu.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho rằng nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn với ngành sản xuất gỗ, với người trồng rừng và các nguồn nguyên liệu gỗ vì đây là một ngành rất tiềm năng khi mà trong ba năm qua, nhà nước không cho phép các doanh nghiệp chế biến gỗ dùng gỗ rừng tự nhiên nhưng ngành vẫn phát triển mạnh, vượt nhiều chỉ tiêu, có giá trị gia tăng trên 40%.
“Trong bối cảnh rất nhiều loại nông sản và các cây công nghiệp khác điêu đứng thì trồng gỗ nguyên liệu vẫn có đất sống, phát triển được ngành trồng gỗ nguyên liệu vừa bảo vệ môi trường tốt và vừa đẩy nhanh được chủ trương phát triển nông thôn mới của nhà nước”, ông Hạnh nói.
Chính Phong / thesaigontimes.vn