Nếu năm 2015, khoảng 20 trường ĐH được gọi là trường “tốp” đều hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thì năm 2016, chỉ một số rất ít trong các trường này hoàn thành kế hoạch đề ra, đa phần đều bị “vỡ kế hoạch” phải hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung.
Trong số các nguyên nhân tạo nên sự “bất thường” trong xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, thí sinh “ảo” được nhắc đến nhiều nhất và cũng chính là “thủ phạm” lớn nhất dẫn tới sự “vỡ trận” của các trường.
Điều này là một thực tế và không gây bất ngờ bởi ngay từ trước khi diễn đợt xét tuyển, các trường ĐH đều cho rằng thí sinh ảo là mối lo lớn nhất. Nỗi lo này càng có thêm cơ sở khi mà theo tính toán của Bộ GD&ĐT, thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy, đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường, chiếm 70%, tức là tỷ lệ thí sinh ảo có thể lên tới 35%.
Trước và trong đợt tuyển sinh đợt 1, các trường đều cho rằng, chống thí sinh “ảo” là một công việc vô cùng khó khăn và chưa có giải pháp khả thi cho vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua cho thấy, chống thí sinh ảo quả là khó nhưng không phải không có trường nào làm được.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, một số trường như ĐH Luật TP. HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân… đều đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.
Ngoài các lý do mà chúng ta thường gọi là “may mắn” thì cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực của các trường này trong việc tìm giải pháp chống “ảo” hiệu quả. Điều này cho thấy, thí sinh ảo đúng là “thủ phạm” lớn nhất. Song không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới sự “vỡ trận” của các trường.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tỷ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” cao gây khó khăn cho các trường thì còn có các nguyên nhân khác như xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh đang có nhiều thay đổi, nhiều em đã xác định được rõ nguyện vọng, sở thích của mình nên vẫn quyết tâm lựa chọn vào học ngành yêu thích, trường yêu thích thay vì tìm một chỗ để học ĐH.
Đây cũng là lý do khiến nhiều thí sinh có thể trúng tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nhưng không nhập học vì đó chưa phải là sự lựa chọn mà các em mong muốn.
Bên cạnh đó, năm nay các trường Công an, Quân đội đều công bố điểm trúng tuyển sớm hơn năm 2015 nên một số lượng không nhỏ thí sinh điểm cao trúng tuyển vào các trường “tốp” khối dân sự đã quyết định “đầu quân” vào các trường Công an, quân đội khi biết mình trúng tuyển ở cả 2 nguyện vọng (năm 2015, các trường Công an, quân đội công bố điểm chuẩn muộn nên nhiều thí sinh điểm cao, không đỗ vào các trường này bị mất cơ hội vì thời điểm đó hầu hết các trường “tốp” dân sự đều đã hoàn thành xét tuyển đợt 1).
Ngoài ra, khách quan mà nói, chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt, hầu hết các trường tuyển không đủ chỉ tiêu đợt 1 đều rơi vào các ngành nghề không “hót”, chưa được thí sinh ưa chuộng, ngành học khó tìm cơ hội việc làm hoặc ngành hót nhưng cơ sở đào tạo mới chưa tạo được niềm tin cho các thí sinh.
Đơn cử như trường hợp của ĐH Y Hà Nội, năm 2016 lần đầu tiên trong lịch sử, ngành Y đa khoa phải tuyển thêm 41 chỉ tiêu cho chuyên ngành luôn được đánh giá là “hót” nhất trong những mùa tuyển sinh gần đây.
Tuy nhiên, cả 41 chỉ tiêu này đều tuyển sinh cho phân hiệu tại Thanh Hóa, năm đầu tiên đào tạo với chỉ tiêu là 100 em. Hay như ĐH Ngoại thương, cơ sở tại Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1, số chỉ tiêu tuyển bổ sung là cho cơ sở đào tạo tại Quảng Ninh.
Điều này cho thấy, dù cùng một trường, một chuyên ngành nhưng thí sinh vẫn tin tưởng và yêu thích hơn đối với các cơ sở đào tạo đã có bề dày về kinh nghiệm và truyền thống và những lựa chọn này không phải hoàn toàn không có cơ sở...
Còn đối với các trường ĐH công lập cũng ít nhiều có tên tuổi thiếu chỉ tiêu ở một số ngành học không “hót” lên tới hàng ngàn như ĐH Lâm nghiệp, ĐH Mỏ địa chất, hệ thống các trường Sư phạm tại các địa phương, các trường ĐH vùng... thì đây cũng không phải là năm đầu tiên mà tình trạng này đã xảy ra ngay trong mùa tuyển sinh năm trước...
Trước thực trạng các trường thiếu chỉ tiêu trầm trọng mà không biết thí sinh trúng tuyển đi đâu, ngày 22-8, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Trong những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào ĐH tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.
Mặt khác, việc phân luồng sau THPT cũng đạt được những kết quả nhất định; những thông tin về thị trường lao động, về thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học ĐH của một số thí sinh.
Bên cạnh thí sinh ảo, đây cũng chính là những lý do khiến cho nhiều trường không tuyển đủ nguồn tuyển như kế hoạch, nhiều thí sinh tuy trúng tuyển nhưng không nhập học vì đã có những lựa chọn khác.
Cũng theo bà Phụng, trong bối cảnh hiện nay, các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. “Để nâng cao chất lượng thì phải hạn chế tối đa việc tăng qui mô.
Hiện nay chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững.
Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu và Quy chế tuyển sinh, chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo thực tế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội”- bà Phụng nhấn mạnh.
Theo Huyền Thanh
CAND