Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đến đầu tư vào việc sản xuất những sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu đến thị trường trên thế giới. Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vừa qua được xem là một cơ hội tốt để Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này, giúp nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm “Made in Vietnam”.
Một góc khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: SHTP |
Chỉ trong vòng một tháng qua, cả nước đã chứng kiến nhiều sự quan tâm cũng như sự cam kết rót vốn đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới vào các dự án sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam. Chẳng hạn, đối tác và nhà cung cấp chiến lược của hãng máy bay Boeing Huneed Technologies ngỏ ý muốn xây nhà máy sản xuất dây điện cho máy bay ở TPHCM; hay LG Display vừa thông qua kế hoạch đầu tư 1,1 tỉ đô la cho việc mở rộng nhà máy sản xuất ở thành phố Hải Phòng.
Sức hút của TPHCM
Bản hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 MAX 200, có tổng giá trị 11,3 tỉ đô la, mà hãng hàng không thế hệ mới Vietjet ký với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) vào năm ngoái không chỉ là hợp đồng hàng không dân dụng lớn nhất trong lịch sử hàng không của Việt Nam mà còn là cơ hội để đất nước thu hút vốn đầu tư từ các nhà cung cấp của hãng sản xuất máy bay này. Tại buổi gặp gỡ với ban lãnh đạo TPHCM vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Eugene Kim, Chủ tịch Công ty Huneed Technologies, đã chia sẻ về kế hoạch đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất dây điện cung cấp cho Boeing, sau khi ông đã thực hiện chuyến thị sát đến Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), nơi công ty này dự tính sẽ mở nhà máy. Ông Kim cho hay, hiện công ty ông đang tham gia vào một cuộc thi cung cấp thiết bị cho Boeing và nếu thắng trong cuộc thi này, công ty sẽ có chiến lược đầu tư sản xuất tại SHTP. Giải thích về kế hoạch đầu tư này, ông Kim cho rằng đơn đặt hàng mua 100 máy bay Boeing của Vietjet là cơ hội cho hãng đầu tư ở Việt Nam. Bởi vì khi một hãng hàng không của một quốc gia đặt mua nhiều máy bay của Boeing thì hãng sản xuất máy bay này sẽ ưu tiên mở nhà máy linh kiện tại nước đó nhằm tạo sự thuận tiện cho việc cung cấp thiết bị cũng như tạo việc làm cho người lao động nước đó.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào SHTP trong thời gian qua rất khả quan. Để đón thêm các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, SHTP đã được giao nhiệm vụ thực hiện một dự án phát triển Công viên Khoa học và Công nghệ thành phố (Khu Công nghệ cao thứ 2) với diện tích 197 ha kế bên Khu Công nghệ cao hiện hữu để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Dự kiến, dự án Công viên Khoa học và Công nghệ thành phố sẽ được khởi công vào năm 2018.
Ông Quốc cho biết, sau 15 năm hình thành và phát triển, đến nay SHTP đã có khoảng 130 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 7 tỉ đô la. Trong đó, hơn 10 tập đoàn và công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng như Intel, Microsoft, Nidec, Jabil, Sanofi, Nipro, Datalogic, Samsung, Sonion... Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, riêng Samsung với dự án đầu tư 2 tỉ đô la cho việc sản xuất đồ điện gia dụng, ti vi đã xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 65 quốc gia. Tập đoàn điện tử Hàn Quốc này cũng vừa đưa vào hoạt động một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la tại đây.
Theo bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Nhà máy Intel Products Việt Nam, sau khi đi vào sản xuất từ giữa năm 2010, từ một số lượng sản phẩm được chế tạo rất nhỏ, nhà máy Intel tại SHTP đã chuyển mình thành một nhà máy chế tạo lớn, nâng cấp dây chuyền công nghệ lên mức hiện đại nhất trong hệ thống nhà máy lắp ráp, kiểm định của tập đoàn. “Chúng tôi đã chế tạo nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cả chip hệ thống SOC có công nghệ phức tạp. Mỗi đơn vị sản phẩm khi xuất khẩu đều được gắn nhãn “Made in Vietnam” và được bán ra khắp thị trường toàn cầu. Với những sản phẩm này, Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ công nghệ cao của thế giới”, bà Boger nói và cho biết, nhà máy ở Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm triệu sản phẩm với kim ngạch lên đến hàng chục tỉ đô la.
Theo ông Quốc, giá trị sản xuất lũy kế đến nay tại SHTP ước tính đạt 28,4 tỉ đô la, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 27,5 tỉ đô la và nhập khẩu đạt 25,2 tỉ đô la. Giá trị sản xuất bình quân của một người lao động tại đây năm 2016 là 230.000 đô la, gấp khoảng 11 lần giá trị bình quân của các khu công nghiệp trong khu vực. Ông Quốc nói thêm rằng dự kiến giá trị sản xuất của SHTP sẽ đạt hơn 10 tỉ đô la trong năm 2017 này và vượt mốc 20 tỉ đô la vào năm 2020. Hiện tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trung bình của SHTP là khoảng 80%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng 8%/năm của TPHCM.
Tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập SHTP mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc phát triển hạ tầng, hệ sinh thái và thu hút đầu tư của SHTP. Cũng theo Thủ tướng, ước tính cứ 1 đồng vốn đầu tư cho công nghệ cao sẽ kích thích 21 đồng vốn khác đầu tư vào việc phát triển công nghệ cao và con số này sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Người đứng đầu Chính phủ thúc giục việc cần phải có sự đột phá để xây dựng SHTP trở thành một Thung lũng Silicon (Silicon Valley) trong khu vực và thế giới.
Theo sự nhận định của các chuyên gia trong ngành, tại Việt Nam, TPHCM đang có lợi thế trong việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào vị thế là một trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, có nguồn nhân lực có chất lượng tốt. Ngoài ra, thành phố đang tập trung nhiều nguồn lực để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao và thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”.
Và vị thế của Việt Nam
Các số liệu thống kê được cập nhật cho thấy Việt Nam đang tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ, điện tử, điện thoại… đến mở nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ để bán cho các thị trường ở khắp năm châu nhờ có vị trí thuận lợi và chi phí sản xuất cạnh tranh so với các thị trường khác trong khu vực.
Theo thông tin trên chinhphu.vn, Nhà máy LG Display Việt Nam Hải Phòng đã được khánh thành ngày 4-12 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỉ đô la, chuyên sản xuất và gia công màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) cho các thiết bị di động như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…
Tập đoàn Bosch vừa thông báo quyết định đầu tư thêm 58 triệu euro (khoảng 69 triệu đô la Mỹ) cho nhà máy sản xuất dây đai truyền lực dùng trong ngành công nghiệp ô tô ở tỉnh Đồng Nai của hãng, nâng tổng vốn đầu tư của Bosch cho nhà máy này lên 321 triệu euro (khoảng 382 triệu đô la Mỹ) vào cuối năm 2018. Ông Peter Tyroller, thành viên Hội đống quản trị Tập đoàn Bosch, phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói việc xây thêm khu sản xuất là nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của các nhà sản xuất ô tô ở khu vực này và Bắc Mỹ. Đi vào hoạt động từ tháng 4-2008, đến tháng 3 năm nay, nhà máy Gasoline Systems của Bosch đã đạt được cột mốc sản xuất 20 triệu sản phẩm và công ty sẽ từng bước đưa nhà máy lên giai đoạn sản xuất thông minh.
Cũng tại Đồng Nai, Tập đoàn Schaeffler (Đức) chuyên cung cấp thiết bị cho ngành công nghiệp ô tô vào đầu tháng rồi đã cho khởi công nhà máy sản xuất với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 55 triệu euro tại Khu Công nghiệp Amata mở rộng, thành phố Biên Hòa. Giai đoạn 1 của nhà máy với công suất 15 triệu sản phẩm mỗi năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2019. Với việc đầu tư này, Schaeffler cũng thiết lập một dòng sản phẩm mới cho vòng bi kim (NRB), là sản phẩm hàng đầu của tập đoàn, ông Helmut Bode, Chủ tịch công nghiệp của Schaeffler tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết đây là nhà máy thứ 2 của Schaeffler ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, khá nhiều nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các hãng ô tô thế giới đã đầu tư sản xuất các sản phẩm sử dụng công nghệ cao và điều này đã giúp cho việc xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt giá trị hàng tỉ đô la mỗi năm. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 10 tháng đầu năm nay trên cả nước đạt 5,78 tỉ đô la, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là các thị trường nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng từ Việt Nam chủ yếu là những thị trường có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh như Nhật Bản với kim ngạch nhập khẩu 1,76 tỉ đô la, tăng 13,9%; Mỹ với 972 triệu đô la, tăng 50,7%.
Trong lĩnh vực điện tử, sự cam kết và rót vốn đầu tư lớn của các tập đoàn điện tử, điện thoại, công nghệ hàng đầu thế giới đã giúp đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh, hàng điện tử, thiết bị... đến nhiều thị trường trên thế giới. Giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 21 tỉ đô la, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2016, theo Tổng cục Hải quan. Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam bao gồm Trung Quốc (5,38 tỉ đô la), Liên minh châu Âu (3,79 tỉ đô la), Mỹ (2,81 tỉ đô la).
Trong nhóm sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, điện thoại và linh kiện điện thoại trong cùng thời gian nói trên đạt 36,79 tỉ đô la, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu một nhóm mặt hàng đạt giá trị lớn như vậy, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm. Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam gồm EU (10,32 tỉ đô la, tăng 15% so với cùng kỳ), Trung Quốc (3,94 tỉ đô la, tăng 4,6 lần), Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE (3,43 tỉ đô la, tăng 1,2%), Hàn Quốc (3,27 tỉ đô la, tăng 41,5%), Mỹ (3,22 tỉ đô la). Kết quả này gần như không có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là từ các tổ hợp sản xuất điện thoại của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là hai tổ hợp của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên, một tổ hợp của Microsoft ở Bắc Ninh, một tổ hợp của LG ở thành phố Hải Phòng cùng các nhà cung cấp linh kiện nước ngoài xây nhà máy sản xuất cung ứng cho các tổ hợp này.
Trong các tập đoàn điện tử đã đầu tư vào Việt Nam, Samsung là nhà đầu tư có vốn FDI cam kết lớn nhất với tổng vốn lên tới 17 tỉ đô la. Theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, việc mở rộng các tổ hợp sản xuất của Samsung tại thị trường này được tiến hành thuận lợi. Kim ngạch xuất khẩu của Samsung hiện là 44 tỉ đô la và dự kiến sẽ đạt mức hơn 50 tỉ đô la trong năm nay.
Với sự gia tăng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ, giới phân tích tin rằng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện, máy vi tính… của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, cộng đồng thế giới, các nhà đầu tư đánh giá khá cao về việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vào tháng 11 vừa qua và điều này giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự kiện này sẽ mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới vì APEC 2006 cũng từng được đánh giá đã mang lại “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI, trong đó có nhiều dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Trong hơn 10 năm qua, đã có bước “nhảy vọt” về cả lượng và chất của dòng vốn FDI từ khu vực APEC và các chuyên gia dự báo điều tương tự sẽ diễn ra trong những năm tới.
Hùng Lê / (TBVTSG)