Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, Đài Loan mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày tăng lên của thế giới cũng như tận dụng các lợi thế về thuế để xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu.
Pin tấm năng lượng mặt trời đang được sử dụng rộng rãi cả các công sở, lẫn nhà dân. Ảnh: Đức Thanh
Dồn dập đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời
Công ty Vina Solar vừa ký được hợp đồng với công ty sản xuất tấm pin năng lượng hàng đầu của Trung Quốc là GCL-SI và Công ty Trina Solar để phát triển các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 600 MW và 1 GW tại nhà máy ở Việt Nam. Trong đó, Công ty GCL-SI tuyên bố đầu tư 32 triệu USD cùng với Vina Solar tại Việt Nam.
Ông Shu Hua, Chủ tịch Công ty GCL-SI cho biết: “Việc đầu tư này không chỉ mang lại những lợi thế về chi phí cho Công ty, mà còn giúp sắp xếp chuỗi cung ứng của chúng tôi”.
Báo cáo của Công ty GCL-SI cũng cho biết, đây là một động thái đáng chú ý để tăng cường năng lực cạnh tranh cũng như để mở rộng cơ hội vào thị trường Mỹ và EU khi hai thị trường này đang có những rào cản thương mại được thiết lập đối với tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan.
Trong khi đó, với vốn đầu tư 100 triệu USD, Công ty Trian Solar mới đây đã hoàn thành xây dựng Dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 800 MW/năm tại Bắc Giang - tỉnh có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, với tổng công suất 5.200 MW/năm. Tại Bắc Giang đang hình thành chuỗi sản xuất và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời, với 8 dự án đã được cấp phép, tổng vốn đăng ký đạt 635 triệu USD.
Theo thỏa thuận, Vina Solar sẽ cung cấp và lắp rắp module PV cho Trina Solar. Đây là dự án lớn nhất của Trina Solar tại Việt Nam. Dự án có diện tích nhà xưởng 42.000 m2, với 14 dây chuyền sản xuất hiện đại, nhà máy sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể, xuất khẩu sản phẩm tới khắp các châu lục trên thế giới.
Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích hai bên cùng có lợi, giúp đưa công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho Việt Nam cũng như tạo ra khoảng 1.000 việc làm. |
“Nhà máy tại Việt Nam của chúng tôi là kết quả mới của chiến lược toàn cầu, tiếp theo sau việc mở các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Malaysia và Thái Lan”, ông Jifan Gao, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trina Solar cho biết.
Ông Gao cho hay, sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích hai bên cùng có lợi, giúp đưa công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho Việt Nam cũng như tạo ra khoảng 1.000 việc làm.
Tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) đã khởi công dự án 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Dự án được chia làm nhiều giai đoạn, với quy mô 88 ha đất.
Tiềm năng lớn cho phát triển pin năng lượng mặt trời
Theo dự báo, nhu cầu cho tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu sẽ tăng dần sau năm 2016, trong khi chi phí lắp đặt và sản xuất sẽ tiếp tục giảm. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, xu hướng đó sẽ góp phần thay thế năng lượng hóa thạch. Đây là lý do nhiều dự án tấm pin năng lượng tại Việt Nam ấm lên, sau khi một vài dự án tên tuổi đã bị phá sản trước đó.
Ở Thừa Thiên Huế có Dự án Pin năng lượng mặt trời, vốn đầu tư 300 triệu USD, do Worldtech làm chủ đầu tư, với sự hợp tác của Global Sphere (Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất). Dự án này đã được khởi công xây dựng vào tháng 1/2013 tại Khu công nghiệp Phong Điền (TP. Huế), ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, song không bao lâu sau đó, Global Sphere đã rút khỏi Dự án và có khá nhiều lình xình xung quanh dự án này.
Trước đó, Dự án Pin năng lượng mặt trời ở Quảng Nam của Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (IC Energy) cũng lâm cảnh tương tự. Khởi công vào trung tuần tháng 5/2011, với tổng vốn đầu tư 390 triệu USD với rất nhiều kỳ vọng, song cuối cùng, dự án này cũng “phá sản” vì những khó khăn liên quan tới thị trường, cũng như công nghệ sản xuất sản phẩm này.
Bảo Châu / baodautu