Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ đầu năm đến nay, 61 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại 53/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 19/21 phân ngành của Việt Nam. Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký mới, vốn FDI đăng ký tăng thêm và cả vốn FDI giải ngân đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa
Cụ thể, cả nước đã thu hút được 1.145 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,497 tỷ USD, tăng 95,3%. Cùng với đó, 535 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 3,787 tỷ USD, tăng 129%. Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2015.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết, có 4 nguyên nhân giúp vốn FDI tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Thứ nhất, sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng. Thứ hai, sự quyết liệt của các cấp, ngành trong việc triển khai các chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Thứ ba, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới đem lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cụ thể, với các FTA song và đa phương Việt Nam tham gia, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ được ưu tiên tại thị trường nội địa cũng như xuất sang thị trường mà Việt Nam đã ký kết. Thứ tư, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, sự ổn định chính trị, và chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mặc dù thu hút FDI có sự tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, song nhiều ý cũng cho rằng, kết quả thu hút FDI vẫn thiếu sự cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương. Theo đó, về lĩnh vực, dòng vốn ngoại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. 6 tháng đầu năm, lĩnh vực này thu hút được gần 900 dự án đăng ký mới và tăng thêm, với tổng vốn đăng ký chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, một số lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thủy sản - các lĩnh vực Việt Nam có nhiều ưu thế chỉ thu hút được 18 dự án với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, chiếm 0,56% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm. Về vùng miền, dòng vốn FDI tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai. Điều này càng làm cho chênh lệch kinh tế tại các vùng miền, địa phương trở nên sâu sắc hơn. Thu hút vốn FDI lớn, nhưng phải đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực là một trong những mục tiêu cần đặt ra trong thời gian tới.
Nguyễn Hòa / baocongthuong.com.vn