Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp trên cả nước trong 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tình trạng giá cho thuê đất tăng cao có thể ảnh hưởng đến các ngành sản xuất có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, chẳng hạn như dệt may và đồ nội thất.
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Vốn ngoại tập trung cho mở rộng sản xuất, vốn nội vào bất động sản công nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 290 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỉ đô la Mỹ (tương đương 138,3 ngàn tỉ đồng), tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, trong cùng thời gian trên, dòng vốn đầu tư trong nước rót vào các khu công nghiệp vẫn đều đặn. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được hơn 270 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 ngàn tỉ đồng (khoảng 2,3 tỉ đô la).
Theo giới phân tích, đa số dòng vốn vào các khu công nghiệp và khu kinh tế là để xây dựng nhà xưởng phục vụ cho việc sản xuất, mở rộng kho lưu trữ hàng hóa...
Một số địa phương cũng cho biết dòng vốn ngoại rót vào các khu công nghiệp để xây dựng nhà máy mới và mở rộng sản xuất vẫn tăng cao giữa khó khăn đại dịch.
Đơn cử như tỉnh Bình Dương, trong gần 5 tháng đầu năm nay, địa phương này đã thu hút 1,252 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn ngoại rót vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1,163 tỉ đô la, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh.
Những tập đoàn lớn như P&G, Far Eastern hay Cheng Loong,... đã tiếp tục rót thêm vốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Bình Dương. Nhiều địa phương khác cũng cho biết vốn đầu tư vào sản xuất tiếp tục tăng.
Thành quả này được cho là các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tiếp tục rót vốn vào Việt Nam và xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Mặt khác, sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, cùng với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, doanh nghiệp các nước cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam để sản xuất.
Điều này khiến giá đất cho thuê ở các khu công nghiệp từ năm ngoái đến nay tiếp tục tăng.
Báo cáo thị trường mới đây của Colliers Việt Nam ghi nhận giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TPHCM trong ba tháng đầu năm vào khoảng 165 đô la Mỹ/m2/kỳ hạn thuê, trong khi con số này ở Hà Nội trung bình là 140 đô la/m2/kỳ hạn thuê. So với năm ngoái, giá cho thuê này đã tăng thêm khoảng 6-7%. Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng số lượng khu công nghiệp tại hai thành phố này không đổi nên giá thuê không ngừng tăng.
Trong khi đó, báo cáo chuyên đề thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, Công ty tư vấn đầu tư bất động sản CBRE Việt Nam cũng nhận định vùng công nghiệp lớn miền Bắc tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên có tỷ lệ lấp đầy hơn 91%, giá chào thuê từ 65 đến 260 đô la/m2. Tại vùng công nghiệp lớn miền Nam, gồm TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá chào thuê 80 - 300 đô la/m2.
Giá đất công nghiệp cho thuê đang tăng cao. Ảnh minh họa: TL
"Sức nóng" giá thuê đất và nỗi băn khoăn về phát triển dài hạn
Trước đó, ông John Campbell thuộc công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho rằng nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các khu công nghiệp gần các thành phố lớn leo thang.
Theo người đại diện của Savills Việt Nam, giá cả tăng cao vẫn là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất.
Lũy kế đến cuối tháng 5-2021, Việt Nam có 394 khu công nghiệp được thành lập lên với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 ngàn ha, trong đó có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86.000 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57.300 ha và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.900 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23.600 ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các khu công nghiêp đạt khoảng 42.900 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 53%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,8%.
“Nếu giá thuê tiếp tục tăng theo cùng một quỹ đạo từ năm 2018, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam có thể bị suy yếu. Trừ khi có thêm nguồn cung đất công nghiệp được triển khai ở các khu vực kinh tế trọng điểm để đáp ứng đủ nhu cầu và ổn định giá cả”, ông John Campbell nói.
Công ty Colliers Việt Nam cũng cho rằng việc tăng giá đất cho thuê ở các khu công nghiệp này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, chẳng hạn như dệt may và đồ nội thất. "Nếu đà tăng không được kiềm chế, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ít nhiều sẽ gặp khó khăn hơn", đại diện Colliers Việt Nam nói.
Các công ty tư vấn bất động sản quốc tế còn lưu ý rằng "cơn sốt" bất động sản công nghiệp trong thời gian gần đây có thể gây ra mối e ngại cho một số tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm địa điểm ở gần Hà Nội và TPHCM.
Do đó, ngay từ lúc này, việc nghĩ đến những giải pháp dài hạn để duy trì và phát huy lợi thế của bất động sản công nghiệp Việt Nam theo Colliers Việt Nam là hết sức cần thiết.
Việc phát triển các khu công nghiệp mới ở các tỉnh thành lân cận TPHCM và Hà Nội sẽ góp phần làm giảm “sức nóng” của giá thuê. Hiện tại, ở phía Bắc, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn.
Một số tỉnh ở khu vực phía Nam cũng có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đơn cử như tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung ba khu công nghiệp mới vào quy hoạch quốc gia, khu công nghiệp Sài Gòn - Mê Kông có diện tích 200 ha, khu công nghiệp Tân Tập có diện tích 654 ha và khu công nghiệp Lộc Giang có diện tích 466 ha.
Sáu địa phương của tỉnh Đồng Nai gồm huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh có kế hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp, mỗi khu công nghiệp từ 200 ha đến 900 ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích đất công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái, theo các công ty tư vấn, cũng được xem là một mô hình phù hợp và nên được phát huy. Trong đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 5-2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỉ đô la, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%. Có khoảng 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.