Mặc dù duy trì ở vị trí số 2, số 3 danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng vốn Trung Quốc đã sụt giảm mạnh...
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019.
Đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.
Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,…
Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 609 dự án. Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 342 dự án. Nhật Bản đứng thứ ba với 272 dự án. Hồng Kông đứng thứ tư với 211 dự án. Một số dự án lớn từ nguồn vốn Trung Quốc như Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR đầu tư tại Tây Ninh.
Mặc dù vẫn xếp ở vị trí số 2, số 3 đầu tư vào Việt Nam tuy nhiên nhìn ở bức tranh tổng thể thì vốn Trung Quốc vào Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh. Nếu như năm 2019, tổng vốn Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD thì năm 2020 giảm một nửa, chỉ còn hơn 2 tỷ USD.
Luỹ kế đến tháng 12/2020, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ 7 đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 18,5 tỷ USD và 3.123 dự án. Top đầu vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam qua từng năm (đơn vị: triệu USD)
Năm 2019, vốn Trung Quốc vào Việt Nam tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nảy sinh xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên đến năm 2020, tác động của đại dịch Covid - 19 đã làm chậm lại xu hướng này. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị giảm đã khiến cho không chỉ dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam mà từ các quốc gia khác cũng giảm.
Về đặc điểm, nguồn FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Tại các khu công nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án, tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, mặc dù nằm trong top 3 đầu tư lớn vào Việt Nam song hiệu quả sinh lời của các dự án Trung Quốc rất thấp, ROE 1% và ROA 0,5%.