Sau hai tháng đầu năm liên tiếp bị sụt giảm, nguồn vốn ngoại có sự bật tăng mạnh mẽ vào tháng thứ 3, giúp tổng nguồn vốn này trong quí đầu tiên năm 2021 tăng cao trở lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng vốn ngoại đăng ký vốn vào Việt Nam tăng cao trở lại trong tháng 3-2021. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3 này, cả nước thu hút thêm hơn 4,672 tỉ đô la Mỹ, trong đó có hơn 3,91 tỉ đô la của 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, gần 500 triệu đô la của 46 dự án FDI đang hoạt động tăng thêm vốn và hơn 262 triệu đô la của gần 290 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư ngoại.
Nhờ có sự cam kết vốn cao trong tháng này, dẫn đến tổng vốn ngoại vào Việt Nam trong quí 1-2021 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-3 vừa qua bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỉ đô la, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng khá cao, sau hai tháng đầu năm liên tiếp bị sụt giảm và việc đi lại giữa các nước còn khó khăn do dịch bệnh.
Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỉ đô la, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong cùng thời gian này có 161 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỉ đô la, tăng 97,4%; và có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu đô la, giảm 58,8%.
Nguồn vốn ngoại cam kết bất ngờ tăng cao trở lại này là nhờ trong tháng vừa qua, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy LNG Long An I & II có diện tích 90ha, đặt trong Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á rộng 239ha.
Dự án có vốn đầu tư ước tính trên 3 tỉ đô la này với công suất dự kiến 3.000MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500MW, do Công ty Vinacapital GS Energy Pte. Lld. (Singapore) là chủ đầu tư, dự kiến bắt đầu vận hành vào cuối năm 2025.
Cũng liên quan đến dự án điện năng, trước đó, một nhà đầu tư Nhật Bản cũng được cấp phép đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ đô la, tại Cần Thơ.
Bên cạnh đó, trong quí này còn có dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu đô la; dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu đô la.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một điểm sáng khác về nguồn vốn đầu tư ngoại trong quí 1 này là việc triển khai thực hiện vốn của doanh nghiệp khu vực này tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Ước tính tổng vốn thực hiện của doanh nghiệp khu vực này đạt 4,1 tỉ đô la, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm và dịch chuyển của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tại một Hội thảo trực tuyến chuyên sâu về đầu tư do Ngân hàng Standard Chartered tổ chức gần đây với chủ đề “Tổng quan đầu tư tại Việt Nam năm 2021”, thu hút sự tham dự của khách hàng là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các chuyên gia cũng dự báo rằng Việt Nam tiếp tục mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới. Với triển vọng kinh tế tươi sáng, sự ổn định xã hội, những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán và bất động sản đạt cao hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam tiếp tục mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và xuất nhập khẩu là những đơn vị hưởng lợi từ quá trình này cũng như đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, song song với vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi làn sóng dịch chuyển cở sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra, các hiệp định thương mại mới mà Việt Nam tham gia và lĩnh vực tiêu dùng trong nước duy trì mạnh mẽ đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng Ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước Châu Á của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ hội ở các lĩnh vực mang tính chu kỳ vốn đã có lịch sử hoạt động nổi trội so với các lĩnh vực khác trong những thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ như dịch vụ ngân hàng, tài chính và sản xuất các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký rót vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỉ đô la (chiếm 49,6%) tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu đô la.
Trong ba tháng đầu năm nay, có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỉ đô la, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỉ đô la, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm mức tương ứng là 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỉ đô la, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ… |