Các quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài quay trở lại rót vốn vào start-up công nghệ tài chính (fintech) Việt, bất chấp hàng loạt khó khăn được ghi nhận ở những thương vụ đầu tư thương mại điện tử trước đó.
Thị trường lý tưởng
Mới đây, lần đầu tiên hai quỹ đầu tư của Hàn Quốc là Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment đã rót vốn vào một start-up công nghệ tại Việt Nam. Công ty được rót vốn là Appota, một start-up tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các nền tảng công nghệ cho điện thoại di động tại Việt Nam. Khoản vốn dưới 10 triệu USD này sẽ đưa Appota bước đến giai đoạn mới, trong đó khai thác mảng fintech được coi là xu hướng chính.
Fintech đã trở thành một trong những ngành nóng nhất trên toàn cầu trong năm qua và các công ty ngành này thu hút đầu tư với trị giá hàng tỷ USD. Riêng trong năm 2016, mảng fintech toàn cầu nói chung nhận thêm hơn 20 tỷ USD đầu tư. Công ty kiểm toán PWC dự đoán tổng đầu tư vào mảng fintech toàn cầu trong 3-5 năm tới sẽ đạt 150 tỷ USD. Dĩ nhiên, Việt Nam, với dân số trẻ, độ phủ của các dịch vụ tài chính còn thấp, sẽ là một thị trường lý tưởng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tiềm năng thị trường fintech ở Việt Nam hiện nay đến từ quy mô thị trường mua sắm hàng hóa hơn 93 triệu người, hơn 50 triệu thuê bao Internet, cùng 35 triệu điện thoại thông minh. |
Giới đầu tư chưa quên, năm 2016, Công ty cổ phần M_Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo đã nhận khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Sau đó không lâu, Quỹ đầu tư Champion Crest thuộc Credit China FinTech Holdings Limited - một nhà cung cấp dịch vụ tích hợp fintech có trụ sở ở Hồng Kông đã chi 12,73 triệu USD để sở hữu số lượng cổ phần lớn tại Công ty cổ phần Công nghệ Bằng Hữu (Amigo).
Những động thái trên cho thấy, các quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài quay trở lại đầu tư vào start-up fintech Việt Nam, bất chấp hàng loạt khó khăn được ghi nhận ở những thương vụ đầu tư thương mại điện tử trước đó. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ liên quan tới start-up fintech tại Việt Nam là 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ start-up. Điều này phần nào chứng minh thị trường fintech ở Việt Nam rất tiềm năng và các start-up fintech Việt đủ sức chinh phục thị trường nội địa.
Chọn mặt gửi vốn
Trở lại thương vụ rót vốn vào MoMo, cả Goldman Sachs và Standard Chartered chọn MoMo, vì công ty này được điều hành bởi đội ngũ nhân sự có thâm niên trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin và quảng cáo. Cả hai nhà đầu tư này đều tin rằng, đây là mô hình kinh doanh rất hời trong tương lai gần tại Việt Nam. Và ví MoMo là ứng dụng thanh toán đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng số 1 trên chợ ứng dụng iOS và Android (Finance).
Với hơn 2,5 triệu người dùng, MoMo cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm với hơn 100 dịch vụ tiện ích, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu - chi hộ và thương mại trên di động. Bên cạnh kênh thanh toán trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, MoMo cũng sở hữu hệ thống giao dịch cố định với hơn 4.000 điểm trải rộng khắp 45 tỉnh, thành phố, với khách hàng như EVN, VNPT, MobiFone, Vinaphone, Vietjet Air, Fim+, FPT, VTVcab, Home Credit, FE Credit, Prudential Finance...
Trong khi đó, ông Sang - Ho Park, Giám đốc đầu tư Korea Investment Partners tham gia Hội đồng Quản trị Appota sau khi rót vốn chia sẻ, vượt qua mọi nghi ngại ban đầu, Appota đã chứng minh năng lực cạnh tranh toàn cầu cùng các thống kê ấn tượng. Công ty đã xây dựng một hệ sinh thái di động với hơn 30 triệu người dùng, mỗi một sản phẩm nằm trong hệ sinh thái đó đều có vai trò riêng và hỗ trợ hoàn hảo cho các sản phẩm còn lại.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, CEO của Appota, Công ty khởi động dự án fintech với 2 mục tiêu chính. Thứ nhất fintech sẽ hoàn thiện hệ sinh thái Appota phục vụ các khách hàng sẵn có (hơn 30 triệu người dùng). Thứ hai, Appota định vị sản phẩm theo một hướng chiến lược riêng, lấy tính năng cashback (hoàn tiền trên mỗi giao dịch) làm điểm khác biệt với các sản phẩm còn lại, mang đến một hình thức tiêu dùng tiết kiệm và linh hoạt cho người dùng.
Sản phẩm cốt lõi fintech của Appota là ví điện tử. Đây là sản phẩm duy nhất tại Việt Nam cho phép hoàn tiền ở hàng trăm chuỗi điểm cung cấp dịch vụ trên cả nước. Bên cạnh đó, Appota còn tạo ra sự phù hợp riêng cho nhóm đối tượng của mình bằng cách sử dụng công nghệ để tối đa hóa các giá trị gia tăng.
Trong khi đó, cái tên Amigo cũng khá nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. Trước đây, Amigo đã từng được khá nhiều nhà đầu tư nhòm ngó, đề nghị hợp tác. Tuy nhiên, mãi năm 2016, Amigo mới “bén duyên” với quỹ đến từ Hồng Kông - Champion Crest, vì tìm thấy nhiều sự tương đồng trong cách tiếp cận thị trường của ông chủ sở hữu quỹ này và tin rằng, sẽ tận dụng được nhiều kinh nghiệm trong việc mang tới những sản phẩm fintech phù hợp và được người sử dụng đón nhận.
“Những kinh nghiệm trong quá trình cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin là sự bổ trợ kịp thời về kiến thức, kinh nghiệm cho mảng fintech. Ngược lại, các sản phẩm fintech của chúng tôi cũng mang đến những cơ hội kinh doanh khác cho khách hàng hiện hữu. Amigo cũng đã có một số hoạt động đầu tư vào mảng fintech, điển hình là các sản phẩm Paypost”, ông Nguyễn Trọng Hải Hoàng, Tổng giám đốc Amigo chia sẻ.
Hiện Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Chuyển giao công nghệ VINA (VINATTI) - công ty con của Amigo đã xây dựng hệ thống thanh toán Paypost cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post). Paypost là một trong những hệ thống thanh toán có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, có quyền truy cập tới hơn 3.600 bưu cục của Vietnam Post, bao gồm hơn 6.000 thiết bị đầu cuối.
Tìm mô hình kinh doanh có lợi cho các bên
Tại Việt Nam, làn sóng fintech phát triển rầm rộ trong thời gian qua, với những tên tuổi như Momo, Moca, ECPay, Mobivi, VNPay, 123Pay, Payoo, Napas, PeaceSoft (Ngân Lượng), VTC Pay, Smartlink, WePay, Ví FPT… Các start-up này kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các công ty đầu tư thêm vào mảng fintech, mảnh đất luôn có chỗ cho các ý tưởng sáng tạo, mô hình kinh doanh tận dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm dịch vụ tài chính win-win cho mọi đơn vị tham gia.
Số lượng các công ty fintech tại Việt Nam - Năm 2007 (thời điểm ngân hàng Nhà nước bắt đầu thử nghiệm dịch vụ thanh toán trung gian): 9 công ty tham gia thị trường. - 2016 - 10/2/2017 (dịch vụ này chính thức được cấp phép): 20 công ty tham gia thị trường. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |
Dù vị thế của một số bên đã được xác lập, nhưng cơ hội vẫn còn rất lớn cho các start-up mới. Đi sau không đồng nghĩa là hoàn toàn bất lợi, trái lại chính các đơn vị tiên phong trước đó đã giúp triển khai một công việc khó nhất là giáo dục thị trường. “Chúng tôi tin rằng, miếng bánh tại thị trường Việt Nam đủ lớn cho tất cả các bên. Điều quan trọng là bạn phải biết khác biệt hóa sản phẩm và tìm một sự phù hợp riêng cho phân khúc thị trường hướng tới của mình”, ông Đỗ Tuấn Anh, CEO Appota cho biết.
Mặc dù thị trường fintech vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, với khoảng cách khá xa so với các quốc gia khác trong khu vực. Song với một thực tế là mới chỉ có khoảng ¼ dân số đang sở hữu tài khoản ngân hàng, cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam là rất lớn trong việc mang đến những giải pháp công nghệ tài chính mới, nhanh chóng và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Sự tiến quân rầm rộ của các start-up cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính lớn trên thế giới vào lĩnh vực fintech ở Việt Nam đang khiến các ngân hàng cảm thấy có mối đe dọa. “Fintech nên được nhìn nhận tích cực hơn ở việc kết nối, đưa các dịch vụ của ngân hàng đến tay người dùng cuối”, ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, các ngân hàng rất mạnh về thương hiệu, nguồn vốn và cấu trúc chặt chẽ về tổ chức tài chính, còn công ty công nghệ fintech lại có thế mạnh về công nghệ, sự sáng tạo và có khả năng tạo ra rất nhiều thị trường ngách tài chính cho 1 đối tượng riêng mà bản thân ngân hàng rất khó vươn tới.
Nếu phối hợp với nhau để khai thác được mặt mạnh của mỗi bên, thì có thể tạo ra doanh thu cao, vì fintech không chỉ là sự tiện lợi, giúp chuyển đổi từ hình thức thanh toán thông thường sang thanh toán bằng công nghệ, mà còn có khả năng kích thích nhu cầu tiêu dùng tiềm ẩn của khách hàng trên cơ sở khai thác những công nghệ phân tích mới nhất.
Anh Hoa / baodautu