Quy mô thị trường tiêu dùng tăng lên nhanh chóng khiến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường này ngày càng lớn.
Nguồn ảnh: Sơn Phạm |
Đồng loạt thêm vốn
Sau Credit Suisse AG, Deutsche Bank mới đây cung cấp khoản vay 100 triệu USD có tài sản đảm bảo cho Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (Fe Credit), nâng tổng giá trị vay vốn từ định chế nước ngoài của tổ chức này lên gần 200 triệu USD trong vòng gần 1 năm. Không chỉ chảy vào Fe Credit, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt ngày càng nhiều hơn.
Đầu năm nay, Công ty Tài chính HD Saison (HD Bank sở hữu 51%) tăng vốn điều lệ từ 550 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng. Một nhà đầu tư khác của Nhật là Tập đoàn Shinsei cũng mua lại 49% cổ phần của Công ty Tài chính Tiêu dùng Ngân hàng Quân Đội, được đổi tên thành Mcredit. Không rõ giá trị giao dịch, nhưng vốn điều lệ của Mcredit là 1.000 tỉ đồng, được xếp vào nhóm có vốn điều lệ cao so với nhiều công ty tài chính khác.
Trong khi đó, Lotte Card, thành viên của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), được truyền thông Hàn Quốc cho rằng đã mua lại 100% vốn của Công ty TechcomFinance thuộc Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), với giá tương đương hơn 1.700 tỉ đồng. Trước đó, Techcombank mua lại công ty tài chính thuộc Tập đoàn Hóa chất, có vốn điều lệ 600 tỉ đồng.
Có thể nhận thấy dòng vốn ngoại đang hướng về thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi nhìn vào mức độ tăng trưởng của thị trường tài chính. Theo thống kê của StoxPlus, quy mô thị trường cho vay tiêu dùng năm 2017 ước khoảng 26,5 tỉ USD, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Xét về khía cạnh vĩ mô, Việt Nam là một quốc gia thích tiêu dùng.
Theo số liệu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong năm 2016, tiêu dùng chiếm đến 78% trên GDP. Do đó, dự kiến trong tương lai khi nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục rộng mở, số người chơi, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô sẽ bắt đầu tăng lên.
Quy mô thị trường tiêu dùng tăng lên nhanh chóng cũng là lý do khiến Fe Credit, nắm giữ gần 50% thị phần chung, ngày càng cảm thấy “khát vốn”. Hơn 1 năm trước ban lãnh đạo của ngân hàng mẹ VPBank đã có kế hoạch bán 49% phần vốn để tìm kiếm nguồn vốn, nhưng kế hoạch này đã thay đổi, có lẽ vì kết quả kinh doanh tốt giúp VPBank huy động được thêm nguồn vốn tốt hơn.
Năm 2014, VPBank mua lại Công ty Tài chính Than Khoáng sản có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng và đưa khối tín dụng tiêu dùng Fe Credit sáp nhập vào. Đến tháng 8 năm nay, Fe Credit đã tăng vốn từ mức 2.790 tỉ đồng lên 4.474 tỉ đồng.
Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ cải thiện đáng kể hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của công ty này. Hệ số CAR của Fe Credit đang giảm vì lý do mở rộng danh mục tài sản có rủi ro nhanh hơn là tốc độ cho vay vốn. Cụ thể, CAR đã giảm từ mức 11,08% vào năm 2015 chỉ còn 9,45% vào thời điểm cuối quý II/2017.
Mở rộng danh mục cho vay có thể giúp mang lại những khoản lợi nhuận lớn, nhưng để duy trì, Fe Credit phải liên tiếp đi vay vốn. Thực ra, có nhiều cách để các công ty tài chính huy động vốn như vay các định chế tài chính trong nước bằng nhiều công cụ khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần vay từ ngân hàng mẹ.
Khoản vay quốc tế
Với những công ty tài chính, việc vay vốn là chuyện bình thường, nhưng điều quan trọng hơn là chi phí vốn huy động được ở mức nào. Chi phí này ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất cho vay đầu ra, tỉ suất lợi nhuận của các công ty tài chính. Khác với các ngân hàng có thể huy động từ khách hàng cá nhân, công ty tài chính chỉ có thể huy động từ các tổ chức.
Đại diện Fe Credit cho biết con số huy động từ hai tổ chức quốc tế trên chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu danh mục huy động, vốn phải huy động từ nhiều nguồn khác. Năm ngoái, Fe Credit giới thiệu sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng.
Trong cuộc chơi cho vay tài chính tiêu dùng mới, Fe Credit cũng khá thiệt thòi so với các tổ chức khác, là công ty con của những “nhà giàu nước ngoài” với lợi thế dòng vốn rẻ. Điều may mắn là thị phần sở hữu đã giúp công ty này có quyền thỏa thuận với các định chế nước ngoài, đặc biệt là khi ngân hàng mẹ VPBank gọi vốn quốc tế thành công cho thương vụ niêm yết trên sàn chứng khoán.
So sánh 2 phương án huy động vốn trong và ngoài nước, ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc Fe Credit, không cho biết cụ thể về lãi suất và điều kiện khoản vay từ 2 tổ chức tài chính quốc tế trên, nhưng tiết lộ chi phí cũng gần tương tự với những khoản vay ở trong nước. Lý do là vì những khoản vay này có tài sản đảm bảo, được đảm bảo bằng khoản phải thu, vốn đang tăng trưởng rất tốt. “Chi phí huy động rất cạnh tranh”, ông Kalidas nói.
Ngoài ra, đại diện Fe Credit còn cho biết các khoản vay quốc tế thực tế có lợi hơn. Trước hết là có thời hạn vay lâu hơn, điều này phù hợp với yêu cầu an toàn vốn ở công ty tài chính. Hơn nữa, việc hợp tác không chỉ dừng lại ở khoản vay này mà còn là bước đệm cho những hợp tác khác trong tương lai.
Việt Dũng / NCĐT