Phó thủ tướng Phạm Bình Minh gặp đại diện các nhà tài trợ. Ảnh chinhphu.vn
Vẫn còn tới 22 tỉ đô la Mỹ vốn ODA chưa được giải ngân trong giai đoạn 2011-2015, trong khi đó Việt Nam đã thành công trong việc thu hút thêm 22 tỉ đô la khác trong giai đoạn 2017-2020.
Tới 22 tỷ đô la Mỹ chưa giải ngân
Số dư chưa giải ngân của các dự án ODA giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam là khoảng 22 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo của nhóm 6 ngân hàng bao gồm Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng KEXIM (Hàn Quốc), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW).
Báo cáo này, được công bố trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho diễn ra chiều 18-10 tại Hà Nội, cảnh báo tình trạng chậm giải ngân là nguyên nhân chính khiến chi phí gia tăng và không phát huy được lợi ích của dự án có sử dụng vốn vay ODA.
Báo cáo cho biết, tính trung bình, nếu kéo dài dự án thêm 1 năm thì số chi phí tăng thêm 17,6% do các yếu tố như lạm phát và lợi ích của dự án bị mất. Như vậy, nếu dự án kéo dài hơn 2-3 năm, số chi phí có thể lên 50% so với dự toán ban đầu.
"Trung bình mất 3 năm từ ngày phê duyệt để khởi công dự án. Thường thời gian thuê tư vấn dài hơn thời gian thi công, triển khai dự án…Việt Nam trung bình phải mất 5 năm mới giải ngân một dự án", báo cáo cho biết.
Từ đầu năm 2015 đến nay có 34 dự án được nhóm các định chế tài chính này cho vay bị gián đoạn giải ngân vốn. JICA có 15 dự án, ADB có 5 dự án, AFD có một dự án.
Vay thêm 22 tỉ đô la Mỹ khác
Cổng thông tin điện tử Chính phủ tường thuật hội nghị trên cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã vận động được trên 22 tỉ đô la Mỹ vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trong 9 tháng năm 2016 còn thấp, chỉ đạt 2.685/5.100 triệu đô la Mỹ, bằng 52,6% kế hoạch giải ngân năm 2016 dự kiến theo các hiệp định ký kết, trong đó giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương đạt 33.948,5/48.061,5 tỉ đồng, bằng 70,6% kế hoạch giao năm 2016.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016, tập trung cho dự án quan trọng kết thúc trong năm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016.
Phó thủ tướng đề nghị để thúc đẩy tiến độ giải ngân cần có những giải pháp căn cơ, trong đó nhất thiết phải đề cao trách nhiệm của các chủ dự án, cùng với đó là hiệu quả và khả năng trả nợ, ông khẳng định.
Vốn vay ODA đã chiếm 26% tổng nợ công, 15% GDP và nguồn vốn này ngày càng khan hiếm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, chinhphu.vn cho biết.
Tư Hoàng / thesaigontimes