Nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn ngày càng tăng tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư Singapore.
Thị trường hấp dẫn…
Dù nguồn cung cà phê bị ảnh hưởng khá nặng nề do thiên tai, nhưng Công ty Olam Việt Nam vẫn duy trì kinh doanh loại nông sản này do chiến lược khác biệt của mình.
Ông Lê Trần Anh Dũng, Giám đốc chi nhánh của Olam Việt Nam tại tỉnh Đắc Lắc cho biết, dù trước mắt không xây thêm nhà máy, nhưng Olam sẽ cải thiện chất lượng chế biến cà phê và mở rộng mạng lưới đối tác. “Olam đang làm ăn rất tốt. Dự kiến, tăng trưởng doanh thu của chi nhánh là 20% trong năm nay”, ông Dũng cho biết.
Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư Singapore, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm an toàn
Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2000, Olam là nhà xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu và cà phê hòa tan lớn nhất Việt Nam, với 1 nhà máy chế biến cà phê hòa tan trị giá 80 triệu USD và 7 nhà máy chế biến nông sản khác.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, không chỉ Olam, nhiều doanh nghiệp Singapore đã và đang vào Việt Nam để thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Vào đầu tháng trước, nhà sản xuất Bunge Ltd. thông báo bán một nửa số cổ phần trong hoạt động chiết xuất dầu thực vật tại Việt Nam cho Wilmar International của Singapore, công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Theo đó, Bunge sẽ bán 45% cổ phần tại Nhà máy ép dầu Bunge Việt Nam cho Wilmar, tạo thành một liên doanh mới giữa ba công ty. Bunge và Wilmar sẽ cùng giữ số cổ phần bằng nhau là 45%; 10% còn lại sẽ vẫn do Công ty Quang Dũng - một trong những nhà phân phối đậu nành có tiếng tại Việt Nam - nắm giữ.
Ông Kuok Khoon Hong, Chủ tịch, Tổng giám đốc Wilmar cho biết, tại Việt Nam, Bunge là nhà sản xuất dầu thực vật lớn nhất và Wilmar lại là khách hàng chính.
“Năng lực phân phối khô dầu đậu nành của liên doanh sẽ giúp cho ngành kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Wilmar phát triển hơn nữa tại Việt Nam, bao gồm cả các mặt hàng cám gạo, cám mì, khô dầu hạt cọ, khô dầu dừa, khô dầu hạt cải và dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi”, ông Kuok Khoon Hong phân tích.
Vào tháng 10/2015, Wilmar International thành lập liên doanh trị giá 25,8 triệu USD với Saigon Co.op, với tỷ lệ nắm giữ cổ phần là 51 - 49%. Liên doanh này có một nhà máy sản xuất nước chấm và gia vị, dùng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đặt tại TP.HCM.
Không chỉ Wilmar International, cả Chính phủ Singapore, thông qua Bộ Tài chính nước này, cũng đã tham gia vào các ngành nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam.
Tháng 3/2016, Chính phủ Singapore đã mua hơn 27,6 triệu cổ phiếu của Masan, để tăng lượng cổ phần của mình từ mức 1,38% lên 5,08%. Ngoài ra, Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore đã mua 45 triệu cổ phiếu của Masan từ Quỹ đầu tư tư nhân Orchid Capital Investments (Singapore), trị giá 57,65 triệu USD.
GIC cũng mua gần 2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN – chuyên kinh doanh nông sản và thực phẩm. Hiện GIC đang nắm giữ 5,01% cổ phần của PAN.
… và nhiều tiềm năng
Theo ông Dũng, Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cho các dự án nông nghiệp và thực phẩm của giới đầu tư Singapore. Vì, bên cạnh môi trường đầu tư - kinh doanh đang được cải thiện, nhu cầu của Việt Nam đối với các sản phẩm này ngày càng tăng.
Olam đã mở rộng 2 nhà máy chế biến nông sản tại Gia Lai. Ngoài ra, Olam Spices & Vegetable cũng hoàn thành việc mở rộng quy mô và năng lực chế biến của nhà máy tại TP.HCM.
Theo Báo cáo Đồ uống và Thực phẩm quý I/2016 của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International Ltd. (Anh), Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn tại châu Á nhờ quy mô dân số lớn, tăng trưởng kinh tế nhanh giúp tăng thu nhập của người dân và đầu tư của doanh nghiệp. Nhờ vậy, ngành thực phẩm, đồ uống đều được dự báo sẽ tăng rất mạnh kể từ nay tới năm 2019.
Cụ thể, vào năm ngoái, tiêu thụ thực phẩm tăng trưởng 18%. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng 18,6%/năm cho đến năm 2019. Dự báo này cho ngành tiêu thụ đồ uống có cồn tương ứng là 8% và 10%/năm; nước ngọt là 5,7% và 8,4%/năm.
Điều này lý giải tại sao SuperCoffeemix Việt Nam (SCV), doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các loại sản phẩm thực phẩm tiện lợi và đồ uống liền ở Việt Nam không dấu tham vọng sẽ trở thành nhà sản xuất thực phẩm và nước giải khát hàng đầu Việt Nam với chất lượng cao và dịch vụ tuyệt hảo.
SCV đang đẩy mạnh ra thị trường Việt Nam các loại sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc ăn kiêng, sữa đậu nành và trà gừng.
Cùng với đó, các tên tuổi khác, như F&N (sữa), Gold Roast và Super Coffeemix (đồ uống), Hock Hin Foodstuffs (thực phẩm) ... đang tiếp tục tìm thêm cơ hội để phát triển hơn nữa tại Việt Nam.
Thanh Tùng / baodautu.vn