Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang không ngừng chảy vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường từ bên ngoài để đầu tư, nhằm nâng cao.
Thông tin chi tiết chưa tiết chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, ngay trong tháng 9 này, Tập đoàn FPT sẽ khai trương văn phòng đại diện tại phía Tây Nhật Bản để mở rộng vùng “phủ sóng” và nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Hiện tại, với quy mô 3 văn phòng và 588 cán bộ nhân viên, FPT là công ty công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô lớn nhất tại Nhật Bản. 7 tháng đầu năm 2016, doanh thu của FPT tại thị trường Nhật Bản đã đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Mạng di động Halotel của Viettel đang hoạt động thuận lợi tại Tanzania.
Nhưng không chỉ có Nhật Bản, sau 17 năm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa, FPT hiện đang có mặt tại 19 quốc gia. 7 tháng qua, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đã lên tới 3.139 tỷ đồng, tăng 30%, còn lợi nhuận trước thuế là 428 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Những con số cho thấy, FPT đã và đang thành công khi đầu tư ra nước ngoài.
Tương tự như FPT, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không ngại chinh chiến nơi xứ người và đã mang lại thành công đáng kể.
Cuối tháng 6 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức đưa giai đoạn I của Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, vốn đầu tư 440 triệu USD đi vào hoạt động. Ngay tại lễ bàn giao mặt bằng và đưa vào sử dụng giai đoạn I của Dự án, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết, tình hình vận hành tháp văn phòng cho thuê của khu phức hợp diễn biến thuận lợi. Các tập đoàn dầu khí của Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc cùng với Vietnam Airlines và BIDV cũng đã thuê văn phòng tại đây, với giá thuê trung bình 62 USD/m2.
Dù giai đoạn II của Dự án mới bắt đầu được triển khai, song những dấu hiệu ban đầu đã cho thấy, chuyến “viễn chinh” của Hoàng Anh Gia Lai ở Myanmar đang “đầu xuôi đuôi lọt”. Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar được biết khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu về văn phòng cho thuê, khách sạn, mua sắm hiện đang rất nóng tại Yangon. Ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết, sẽ dành riêng hàng chục nghìn m2 để kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đến kinh doanh tại Yangon.
Điều này là dễ hiểu, khi thời gian gần đây, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tới đầu tư tại Myanmar, một thị trường được cho là rất nhiều tiềm năng. Không chỉ FPT coi Myanmar là một trong những thị trường trọng điểm, mà cả “ông lớn” Viettel cũng đã công bố kế hoạch đầu tư tới 1,5 tỷ USD vào thị trường này, sau khi đã thành công ở hàng loạt thị trường Lào, Campuchia, Mozambique…
Với số vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD thì Myanmar sẽ trở thành thị trường nước ngoài có số vốn đầu tư lớn nhất của Viettel từ trước đến nay. Bởi trước đó, ở thời điểm khai trương mạng di động Halotel tại Tanzania (quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Phi) tháng 10/2015, Viettel cho biết, Tanzania là thị trường có vốn đầu tư lớn nhất (gần 1 tỷ USD) trong số 8 thị trường nước ngoài mà Viettel đã triển khai.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tham gia liên doanh để thực hiện giấy phép viễn thông thứ 4 và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar. “Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar”, Viettel cho biết.
Trong khi đó, sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường Campuchia, cuối tháng 5/2016, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đã đưa Nhà máy Sữa Angkor, vốn đầu tư 23 triệu USD đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này tại quốc gia có hơn 15 triệu dân này.
Còn Tập đoàn TH, hồi giữa tháng 5 vừa qua cũng đã khởi công xây dựng Tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa, với vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD ở Nga, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD.
Không chỉ là các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp nhỏ. Cũng không phải chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia trước đây nữa, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm và mở rộng đầu tư sang nhiều thị trường khác. Ngay cả Mỹ cũng là đích ngắm của không ít doanh nghiệp Việt, trong đó có FPT, Vinamilk.
Nhật Bản cũng là một thị trường rất tiềm năng, đến nỗi, mới đây, lần đầu tiên đã có một hội nghị xúc tiến đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản. Ở đó, ông Shigeki Maeda, Phó chủ tịch JETRO Tokyo đã kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy đầu tư sang Nhật Bản, để song hành với luồng vốn đang chảy mạnh mẽ từ Nhật Bản sang Việt Nam.
“Thủ tướng Abe đã ‘gài số’ cho sự phát triển của kinh tế Nhật Bản với kỳ vọng GDP danh nghĩa từ 500.000 tỷ yên năm 2015, dự kiến sẽ tăng lên 600.000 tỷ yên vào năm 2020. Nhật Bản là một nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, đầu tư vào Nhật Bản là bằng đầu tư vào nhiều nước khác nhau”, ông Shigeki Maeda đã nói như vậy về tiềm năng của thị trường Nhật Bản và cho rằng, con số 7 triệu USD mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Nhật Bản còn quá ít ỏi.
Cơ hội đầu tư sang Nhật Bản là rất lớn, nếu các kế hoạch này được đẩy mạnh, vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài sẽ còn lớn hơn nữa.
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố mới đây, tính đến ngày 15/8/2016, Việt Nam đã có 1.125 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 20,38 tỷ USD. Tính riêng trong những tháng đầu năm nay, đã có 71 dự án đăng ký cấp mới và 35 dự án đăng ký điều chỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký cấp mới là 705,8 triệu USD.
Nếu tính từ thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực (ngày 01/7/2014) đến nay, thì theo thông tin từ ông Đỗ Nhất Hoàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho 190 dự án, trong đó 124 dự án cấp mới, 68 dự án điều chỉnh với vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 933,2 triệu USD. Những con số cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự lớn mạnh và sẵn sàng chơi ở sân chơi toàn cầu.
Một thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, có hiệu lực từ 13/8/2016. Đây được coi là một động thái quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, không chỉ bằng con đường trực tiếp, mà cả gián tiếp.
Hà Nguyễn / baodautu.vn