Công ty tài chính của VPBank (thương hiệu FE Credit) đang trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài muốn gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Báo cáo tài chính của VPBank mới đây cho biết ngân hàng này đang cho vay tiêu dùng hơn 45 nghìn tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.
Gần một nửa trong số này (khoảng 20 nghìn tỷ) được cho vay và quản lý dưới thương hiệu FE Credit, công ty tài chính trực thuộc ngân hàng.
So với các công ty tài chính khác đang hoạt động trên thị trường như Home Credit, Prudential Finance, HD Saison, Toyota Finance…quy mô cho vay của FE Credit đã vượt xa.
Báo cáo kết quả kinh doanh của VPBank cũng chỉ ra, FE Credit đóng góp lớn vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này.
Cụ thể, sau khi cộng thêm cả hai công ty con (FE Credit và VPBank AMC), thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay vốn tăng thêm 3.700 tỷ đồng và lãi trước thuế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên cho vay tiêu dùng quy mô lớn đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu ở mức cao. Điều này diễn ra ở tất cả các bộ phận cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng và các công ty tài chính.
Ở VPBank, ngân hàng mẹ có tổng dư nợ 96.596 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu 2,4% vào cuối năm 2015. Nhưng khi hợp nhất thêm hơn 20 nghìn tỷ cho vay từ FE Credit, tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng lên 2,7%, tương đương với con số nợ xấu cho vay tiêu dùng khoảng 800 tỷ (tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng khoảng 4%).
Nợ xấu cao trong mảng cho vay tiêu dùng còn thể hiện ở việc VPBank phải dự phòng thêm 1.161 tỷ đồng, khi hợp nhất mảng này vào báo cáo kết quả kinh doanh, chiếm 1/3 tổng dự phòng trong năm của ngân hàng.
Mặc dù nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và vươn lên dẫn đầu nhưng VPBank đã có kế hoạch bán mảng kinh doanh này từ cuối năm ngoái, với tỷ lệ 49%.
Nếu bán thành công ở thời điểm hiện tại, VPBank sẽ lại gây ngạc nhiên cho thị trường tài chính bằng một thương vụ đình đám.
Nhiều tập đoàn tài chính từ Nhật, EU đang muốn đặt chân vào thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng của Việt Nam. Các công ty tài chính cuối cùng chưa có chủ mới như: Tài chính bưu điện (PTF), Tài chính điện lực (EVNFC)…đang là mục tiêu.
Nhưng với các nhà đầu tư nước ngoài, mua lại ví trị số 1 của FE Credit (hay của VPBank) là lựa chọn không tồi. Vấn đề là quy mô của giao dịch và mức độ sẵn sàng của các bên.
Quy mô cho vay tiêu dùng của 5 công ty tài chính có vốn nước ngoài và FE Credit. Đơn vị: Nghìn tỷ đồng.
(Theo Trí thức trẻ)