Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân sự kiện khởi công dự án VSIP Nghệ An.
KCN VSIP I (Bình Dương). Đây là hình mẫu đầu tiên cho tổ hợp Dự án VSIP đã được triển khai ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi và sắp tới là Nghệ An. (Ảnh do nhà đầu tư cung cấp).
P.V: Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, nhắc đến cái tên VSIP, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các Khu công nghiệp tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi đều là những dự án có quy mô lớn và có sức ảnh hưởng tích cực, rõ nét đến sự phát triển - kinh tế xã hội của địa phương đứng chân và khu vực lân cận. Đó có phải là hình mẫu của khu công nghiệp sẽ hiện diện ở Nghệ An trong thời gian tới đây?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, gọi tắt là VSIP Nghệ An là một quần thể hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ, khu kho vận, công viên phần mềm công nghệ thông tin, khu phức hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở. VSIP Nghệ An triển khai trên diện tích đất dự án khoảng 750 ha, thuộc quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam được điều chỉnh mở rộng tại Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là một dự án trọng điểm của tỉnh nhà, sẽ tạo ra đột phá lớn cho phát triển công nghiệp Nghệ An; với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa tỉnh và nhà đầu tư từ khâu khảo sát, xây dựng đề án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến ngày 30/6/2015, dự án đã cơ bản hoàn thành các quy trình, thủ tục lựa chọn địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết và chính thức được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư số 272045000120 cho Dự án Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Nghệ An (ngày 30/6/2015).
Đến thời điểm này, nhìn lại quãng đường đã đi qua để có một dự án lớn như VSIP Nghệ An triển khai thực hiện ngày hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng dự án sẽ mang lại những đóng góp tích cực cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Sự tin tưởng đó, có một phần rất lớn đến từ năng lực, thương hiệu của nhà đầu tư; Becamex IDC được biết đến như là chủ lực của kinh tế tỉnh Bình Dương, có bề dày nhiều năm hoạt động trong đầu tư hạ tầng nói chung và khu công nghiệp nói riêng. Riêng dự án VSIP là kết quả của liên doanh giữa Becamex IDC và tập đoàn Sembcorp Development của Singapore là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, xuyên quốc gia, có tiềm lực về kinh tế và danh tiếng lớn, hiện nay tại Việt Nam, VSIP có 5 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động tại các tỉnh với tổng quỹ đất hơn 6.000 ha. Nghệ An chúng ta được chọn là điểm đến đầu tư của VSIP, chắc chắn đó là thành quả nhờ sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ nhiệt thành của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đồng thời cũng là kết quả của quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng của nhà đầu tư.
P.V: Thưa đồng chí, cụ thể hơn, Nghệ An tin tưởng và kỳ vọng VSIP Nghệ An sẽ có đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Trước tiên, phải khẳng định sự hiện diện của Dự án VSIP là sự thể hiện sinh động hướng đi công nghiệp hóa - hiện đại hoá của Nghệ An. Trong vài năm trở lại đây, diện mạo tỉnh nhà có những bước khởi sắc, chuyển mình mà rõ nét nhất là ở kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, y tế, văn hóa, thể thao. Sự đổi mới từ nông thôn đến thành thị, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao… Đó vừa là kết quả của sự nỗ lực tự thân của tỉnh, vừa là đóng góp của các doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Những mục tiêu trước mắt và lâu dài như nâng cấp hạ tầng giao thông với các tuyến đường, cầu vượt, sân bay, cảng biển,… đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Hướng tới mục tiêu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, mục tiêu dài hạn là công nghiệp hoá nền kinh tế của tỉnh, đã xác định các vùng, khu kinh tế trọng điểm với hạt nhân là các khu công nghiệp lớn. Hiện nay chúng ta mới chỉ nằm ở giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu dài hạn ấy: giai đoạn thu hút, xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư vào “phủ kín” các vùng quy hoạch kinh tế, quy hoạch công nghiệp.
Cùng với các dự án lớn khác đã và đang triển khai như Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Royal Foods Nghệ An, Nhà máy gỗ MDF, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Nhà máy thực phẩm Masan, Nhà máy điện tử BSE, các nhà máy xi măng Visai Sông Lam, Tân Thắng, Hoàng Mai 2,… Dự án VSIP Nghệ An là một điểm nhấn nổi bật như một ngôi sao trên toàn cảnh về thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một điểm đáng chú ý là dự án này không hoạt động đơn thuần trong một lĩnh vực mà là một quần thể hạ tầng hướng đến phục vụ cho nhiều lĩnh vực đa dạng, với kết cấu hoàn thiện theo kiểu “dây chuyền khép kín”: có các nhà máy sản xuất; khu đô thị, dịch vụ; nhà ở cho công nhân, chuyên gia; không gian xanh;… Đây thực sự là tư duy, hướng đi hiện đại hoá - công nghiệp hoá, phát triển bền vững mà các khu công nghiệp ở các quốc gia phát triển hướng tới.
P.V: Thưa đồng chí, có một quần thể như vậy hiện diện tại Nghệ An có ý nghĩa nào khác đối với định hướng phát triển tầm dài hạn của tỉnh nhà?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Thứ nhất, đây sẽ là hình mẫu lý tưởng cho hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường sống công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh, tạo đột phá cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Thứ hai, Nghệ An sẽ có một quần thể với hạ tầng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp cho việc thu hút các nhà đầu tư lớn tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, đây là mô hình công viên công nghiệp rất thịnh hành tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản,… phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao như Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
Thứ ba, đóng góp tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng trên 20.000 lao động địa phương, thúc đẩy thị trường lao động phải đổi mới, nâng cao chất lượng, thay đổi tư duy, tác phong của người lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao mức sống của người dân.
Nhìn lại những dự án mà Becamex IDC đã thực hiện trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, đến nay tất cả các khu công nghiệp do Becamex IDC đầu tư đều đạt diện tích thu hút đầu tư trên 95% với vốn đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Đó là những con số rất ấn tượng, chúng ta nên tin tưởng, hy vọng rằng trong thời gian không xa, tỉnh Nghệ An sẽ được hưởng những lợi ích to lớn do VSIP đưa lại.
P.V: Thưa đồng chí, những lợi ích mà VSIP Nghệ An có thể mang lại cho tỉnh nhà rất đáng để kỳ vọng, đổi lại, nhà đầu tư có thể chờ đợi điều gì từ phía tỉnh nhà?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Để một dự án lớn như VSIP có thể từ ý tưởng đến thực tế, là cả một quãng đường dài cần có sự nỗ lực của cả nhà đầu tư và địa phương, nhờ sự giúp đỡ có hiệu quả của chính phủ hai nước và tỉnh Bình Dương. Trong suốt quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập dự án, các cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành với nhà đầu tư, kịp thời cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, như việc lựa chọn địa điểm, quy mô diện tích, cơ chế chính sách... để trình Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh một số cơ chế chính sách trong Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam trong đó bao gồm cả phần diện tích 750 ha Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Phải khẳng định, tỉnh Nghệ An đang rất cần các doanh nghiệp để có thể hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá, tỉnh công nghiệp như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra. Vì vậy, tỉnh Nghệ An không những luôn mở rộng cửa đón các nhà đầu tư, mà còn chủ động tìm đến nhà đầu tư, lôi kéo nhà đầu tư về với tỉnh, cam kết sẽ đồng hành với họ từ những bước đầu tiên đặt nền móng ý tưởng hoạt động trên địa bàn tỉnh đến lúc dự án phát huy hiệu quả.
Rõ ràng một dự án không thể thuận lợi đi đến thành công tuyệt đối nếu không có sự nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Cốt lõi của quan hệ hợp tác là phải đem lại lợi ích cho cả hai bên, đồng nghĩa với trách nhiệm của hai bên để hoạt động đầu tư có hiệu quả cao nhất. VSIP Nghệ An sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho tỉnh nhà, vậy chúng ta phải tự đặt câu hỏi, nhà đầu tư sẽ được lợi ích gì khi hoạt động tại Nghệ An? Chúng ta phải có trách nhiệm để doanh nghiệp thấy được và công nhận đầu tư vào Nghệ An là một lựa chọn đúng đắn, thông minh, đến với tỉnh Nghệ An các doanh nghiệp sẽ tận dụng được nhiều lợi thế, như: nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ và chất lượng cao (dân số đông, tỉnh có nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề); hạ tầng giao thông thuận lợi (đường bộ, cảng biển, sân bay...); Nghệ An là trung tâm liên kết hành lang kinh tế Đông Tây Việt Nam - Lào - Thái Lan tạo nên thị trường rộng lớn tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa và là tỉnh duy nhất được Bộ Chính trị quan tâm ban hành Nghị quyết số 26 -NQ/TW về nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, có nhiều cơ chế ưu đãi, môi trường kinh doanh tốt, an toàn, do vậy các doanh nghiệp nói chung và Becamex IDC nói riêng đến đầu tư tại Nghệ An sẽ phát triển kinh tế tốt, cũng như phát triển được thương hiệu doanh nghiệp.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Thục Anh / baonghean.vn