Thời kỳ dân số vàng được dự báo là chỉ kéo dài hơn thập kỷ nữa. Ảnh: TL
Trong những thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số già đi nhanh nhất thế giới, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định.
“Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam 2016” do WB soạn thảo trên nền tảng dữ liệu của báo cáo Việt Nam 2035, khẳng đinh thực tế trên, và đồng thời đánh động nhiều rào cản mà nền kinh tế đang đối diện.
Dân số già đi nhanh chóng
WB cho biết, lợi thế nhân khẩu của Việt Nam đang bắt đầu mất đi. Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ cơ cấu dân số vàng. Từ năm 1990, gần 25 triệu người Việt Nam bước sang độ tuổi lao động. Nguồn cung lao động lớn dẫn đến tăng trưởng lực lượng lao động bình quân hàng năm khoảng 2,5%, khiến cho lực lượng lao động của Việt Nam gần như tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2013.
Thực chất, khoảng một phần ba tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trước đây (6,7%) do lực lượng lao động tăng lên, hai phần ba còn lại là do tăng trưởng năng suất lao động. Tuy nhiên, lợi tức nhân khẩu bắt đầu mất đi và tăng trưởng việc làm tiềm năng dự kiến giảm xuống do các yếu tố bất lợi về cơ cấu dân số.
Trong những thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số già đi nhanh nhất thế giới, đem lại những tác động to lớn đối với thị trường lao động, chính sách tài khóa, dịch vụ công và tăng trưởng chung.
Mặc dù dân số trong độ tuổi lao động và lực lượng lao động vẫn tiếp tục đi lên, tốc độ tăng sẽ giảm đáng kể -- bằng khoảng một nửa tốc độ bình quân trong thời gian qua. Dân số trong độ tuổi lao động thực ra đang giảm về tỷ lệ so với dân số. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện ở mức cao (77%) cho thấy không còn nhiều dư địa để nâng cao tổng nguồn cung lao động.
Đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả
Đầu tư từ ngân sách Nhà nước và DNNN bị dàn trải. Mặc dù đầu tư công cao liên tục làm tăng nhanh số lượng hạ tầng, hiệu quả đầu tư thấp do thiếu sự phối hợp trong hệ thống ngân sách ngày càng phân cấp cho các địa phương.
Chính quyền địa phương - hiện phụ trách khoảng 80% tổng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước - và các DNNN có xu hướng lựa chọn và thực hiện các dự án đầu tư riêng của họ với tư duy cục bộ, thay vì áp dụng cách tiếp cận chiến lược, gắn với các ưu tiên của quốc gia, và không quan tâm nhiều đến quan hệ cung - cầu.
Trong bối cảnh ngân sách ngày càng bị thắt chặt, cần chú trọng hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn và quản lý tài sản để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư công cho những công trình hạ tầng phục vụ tăng trưởng. Trong khi đó, tăng trưởng tại khu vực tư nhân trong nước chưa tương xứng với tỷ trọng vốn và đầu tư ngày càng tăng của họ.
Các doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng trở nên thâm dụng vốn, nhưng lợi suất sử dụng vốn lại giảm xuống - cho dù năng suất vốn của khu vực tư nhân vẫn cao hơn so với khu vực quốc doanh.
Tín hiệu giá cả méo mó khiến cho dòng vốn chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, gây nên bong bóng tài sản, thay vì được sử dụng để mở rộng năng lực sản xuất. Chẳng hạn, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng 29% mỗi năm bình quân theo giá so sánh trong thập kỷ qua, trong khi tăng trưởng sản lượng bình quân hàng năm của lĩnh vực này chỉ ở mức 5,2% cùng thời kỳ.
Cơ cấu kinh tế kéo lùi đà tăng trưởng
Bên cạnh những thành công, hiện đang có những quan ngại đến năng lực của mô hình tăng trưởng hiện nay để duy trì bền vững thành tựu đang có. Tăng trưởng kinh tế đã chững lại trong những năm gần đây.
Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2008-2014 bình quân rơi vào khoảng 6% mỗi năm, chỉ hơn 2 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp trong cùng giai đoạn (4,1%).
Tăng trưởng suy giảm một phần phản ánh tính chu kỳ và bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng cho thấy những vấn đề về cơ cấu phát sinh kéo lùi đà tăng trưởng.
Khắc phục những vấn đề về cơ cấu kinh tế là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng không chỉ về tăng trưởng kinh tế tổng thể mà còn về giảm nghèo và đảm bảo thịnh vượng chung.
Trong những năm gần đây, Việt Nam phải chứng kiến biến động thường xuyên trong khu vực tài chính và kinh tế vĩ mô.
Mặc dù là những yếu tố bên ngoài - kinh tế bùng nổ chưa từng có do dòng vốn đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vào, kế tiếp là cú sốc cầu do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra - hệ quả tác động đến nền kinh tế Việt Nam được tiếp tay bởi chính sách kinh tế vĩ mô giật cục, tăng trưởng tín dụng tùy tiện, và bong bóng giá tài sản trong lĩnh vực bất động sản.
Lạm phát tăng vọt hai lần trong năm 2009 và 2011, đúng vào những thời điểm tăng trưởng suy giảm. Ổn định kinh tế vĩ mô tuy phần nào được khôi phục, nền kinh tế vẫn phải chịu những nguy cơ dễ bị tổn thương do dư chấn.
Các vấn đề còn tồn tại về chất lượng tài sản và nợ xấu chưa được giải quyết đang là gánh nặng trên bảng cân đối của các ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô và làm suy giảm năng lực cung cấp nguồn vốn dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, khả năng tiếp cận vốn là trở ngại phổ biến nhất trong phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, nhu cầu xử lý bội chi ngân sách ở mức cao và nợ công đang tăng lên nhanh chóng là những vấn đề nóng của tài chính công trong những năm tới.
Tư Hoàng / thesaigontimes