Tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ làm tăng nỗi đau kinh tế do Chính phủ không thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế để giúp phục hồi. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia có hoạt động sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ hơn...
Các dự báo của WB dựa trên giả định đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý 4/2021 (Ảnh minh họa: Reuters)
Tại buổi họp báo công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam qua ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề “Việt Nam Số hóa – Con đường đến tương lai” của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay (24/8), chuyên gia của WB đã đưa ra một số nhận xét về kinh tế Việt Nam trong năm đại dịch COVID-19 vừa qua.
Theo WB, sau 17 tháng sống trong đại dịch COVID-19, việc tiêm vắc-xin được triển khai trên diện rộng đang đem lại hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng đã gây ra nhiều bất định và đau thương trên thế giới.
Đến nay, đại dịch đã làm thay đổi cách con người sống, làm việc, ăn uống và đi lại. Mặc dù những thay đổi đó có thể sẽ giảm dần khi tình hình y tế toàn cầu được kiểm soát, nhưng lịch sử đã cho thấy rằng trạng thái bình thường mới rất có khả năng sẽ hiện hữu trong những năm tới.
Sau tất cả những cú sốc lớn - đại dịch, thảm họa khí hậu, chiến tranh - đều là hàng loạt những chuyển đổi sâu sắc và mang tính cấu trúc.
SỰ TRỖI DẬY CỦA KINH TẾ SỐ
Tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên khắp thế giới, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do COVID-19 gây ra đã đẩy nhanh sự trỗi dậy của kinh tế số. Sự trỗi dậy này diễn ra, và trở nên đặc biệt “rộng rãi” (broad-based) hơn trong những tháng gần đây.
Có tới 60% các doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam đến nay đã thiết lập hoặc tăng sự hiện diện trực tuyến của mình để có thể cung cấp dịch vụ và bán hàng cho những khách hàng đang ngày càng kết nối tốt hơn. Chính phủ cũng đã số hóa hơn 2.000 thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Đó không chỉ là cách ứng phó ngắn hạn giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn về tương tác trực tiếp trong đại dịch, mà còn để lại những tác động sâu sắc và lâu dài hơn. Chuyển đổi số được đẩy nhanh có tiềm năng cung cấp nhiều thông tin hơn, tốc độ cao hơn, minh bạch hơn và dễ dàng cung cấp dịch vụ cho người dân hơn, kể cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.
Sự lan tỏa của các công cụ số sẽ làm giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, mở ra những cơ hội mới để phát triển và đa dạng hóa thị trường. Để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cũng cần giảm nhẹ những rủi ro phát sinh do chuyển đổi số, bao gồm mất việc làm của lao động có trình độ thấp do được thay thế bởi ứng dụng công nghệ số, quan ngại về an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân trong khi vẫn tạo thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu.
Để tận dụng tối đa chuyển đổi số, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu mới về lao động có trình độ cao hơn, nâng cấp năng lực đổi mới sáng tạo để tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, và cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và thông tin để ra quyết định tốt hơn.
ÁP LỰC CẠNH TRANH NGÀY CÀNG LỚN
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả bên trong và bên ngoài, bao gồm dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước, và đã lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch ở mức khoảng 8%, nhờ mở rộng sản xuất chế biến, chế tạo.
Một phần nào đó, tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi kết quả tốt từ khu vực nông nghiệp nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt. Ngược lại, khu vực dịch vụ vẫn chưa quay lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, một phần do khu vực này nhạy cảm với các biện pháp hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.
Từ góc độ chi tiêu, tăng trưởng đạt được nhờ vào tiêu dùng tư nhân và một phần nào đó vào đầu tư tư nhân, trong khi đó Chính phủ trở lại với chính sách tài khóa thắt chặt hơn, và nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, khiến cho cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt.
Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4 năm 2021 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp.
Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7.
Các chỉ số tần suất cao, như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6/2021 kể từ tháng 5/2020.
Nền kinh tế dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, với các tỉnh phía nam, TP.HCM và sau đó là Hà Nội phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ cuối tháng 7 để dập dịch.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ làm tăng nỗi đau kinh tế cho Việt Nam do Chính phủ không thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế để giúp kinh tế phục hồi.
Đại dịch cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, những tác động này không dễ đo lường vì chúng thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế đi lại.
Mặc dù vậy, thông điệp chung là nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế ngày càng lớn do tình hình kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua. Chẳng hạn, thị trường lao động vẫn chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây về việc làm và thu nhập của lao động bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4.
Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí trước đợt dịch COVID-19 bùng phát tháng 4. Trong tháng 3/2021, 30% các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3/2020, giảm từ tỷ lệ khoảng 50% hồi tháng 01/2021.
Về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã trở nên xấu đi trong nửa đầu năm. Việt Nam đã tích lũy được thêm 6,0 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4 /2021.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong bảy tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.
Có lẽ các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do đại dịch tái bùng phát, buộc họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với vai trò ngân hàng trung ương, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10 đến 12% trong năm 2020, cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính.
Chính sách tài khóa trung lập hơn phản ánh thu ngân sách cao hơn kết hợp với chi đầu tư công thấp hơn, khi mà mới chỉ 28% kế hoạch đầu tư công Quốc hội giao được giải ngân trong sáu tháng đầu năm.
HƯỚNG DẦN VỀ TỐC ĐỘ GDP TRƯỚC ĐẠI DỊCH
Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp hơn 2,0 điểm phần trăm so với dự báo trong kỳ Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020 của WB, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây và còn phụ thuộc vào một số rủi ro tiêu cực.
Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý 4/2021. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Trong thời gian còn lại của năm 2021, theo WB, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ.
Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các dự án này hiện đang gặp những khó khăn ban đầu do các hạn chế đi lại liên quan đến đợt bùng phát dịch tháng 4, nhưng dự kiến sẽ được triển khai hết tốc lực trong quý 4.