Tiến sĩ Lokky Wa, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, C ở Việt Nam, vốn thuộc nhóm cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương với số bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B, C cao gấp 40 lần số người nhiễm HIV.
Gánh nặng bệnh tật do nhiễm vi rút viêm gan B, C
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin hình hình mắc viêm gan vi rút diễn ra sáng 29/8, ông Tuấn cho biết, tại Việt Nam, theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thực hiện, ước tính hiện nay có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
Bản đồ về tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B (màu đỏ: rất phổ biến; màu vàng: phổ biến; màu xanh: ít phổ biến
Trong khi đó, vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Theo kết quả điều tra, gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn tuy nhiên chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cập điều trị.
Tại buổi họp báo, Tiến sĩ Lokky Wa, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam quan ngại về tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, C ở Việt Nam, vốn thuộc nhóm cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. “Số bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B, C cao gấp 40 lần số người nhiễm HIV tại Việt Nam”, ông Lokky Wa nói.
Vì thế, ông cho rằng cần thực hiện triệt để chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan vi rút B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Nhiều khó khăn trong phối hợp điều trị và dự phòng
Trong bối cảnh Việt Nam vốn là khu vực có tỷ lệ viêm gan B cao (trên bản đồ viêm gan, Việt Nam được đánh dấu bằng màu đỏ - chỉ dấu cho biết mức độ phổ biến nhất của viêm gan B), WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.
Tiêm đủ số mũi vắc xin ngừa viêm gan B, trong đó có mũi 24 giờ sau sinh là biện pháp hiệu quả phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Tuy nhiên hiện tại, việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B 24 giờ sau sinh còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ tiêm này hiện chỉ duy trì được ở mức 50-60%. Hơn nửa năm qua, vẫn có 22 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu trong 6 tháng đầu năm dưới 30%, có những tỉnh với tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 11-12%.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) chia sẻ, bên cạnh việc can thiệp dự phòng tiêm vắc xin, việc chẩn đoán sớm viêm gan B, C để điều trị sớm tránh biến chứng xơ gan, ung thư gan cũng rất quan trọng vì sẽ giúp kịp thời ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này.
Còn với viêm gan vi rút C chưa có vắc xin dự phòng, việc tiếp cận thuốc điều trị của bệnh nhân còn khó khăn do giá thành cao do BHYT mới chi trả 80% điều trị viêm gan B, 30% với viêm gan C.
Hồng Hải / dantri.com.vn