Ngân hàng Thế giới cho rằng việc giảm quy mô các ngân hàng như hiện nay cần chú trong nhiều hơn đến quy trình và cải cách của khu vực ngân hàng, hơn là mục tiêu giảm về con số.
Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB - World Bank ) công bố sáng nay đã nhận định như vậy.
Đánh giá của WB cho rằng quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được nhiều tiến bộ, khi đã thực hiện được một số thương vụ mua bán, sáp nhập.
Thế nhưng, mục tiêu giảm còn 15 - 17 ngân hàng, từ mức 34 ngân hàng hiện nay mà NHNN đặt ra theo đánh giá của WB là khó có thể đạt được.
Theo đánh giá của ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, việc giảm số lượng ngân hàng thương mại, xuống mức 15 - 17 ngân hàng đến năm 2017 từ mức 34 ngân hàng hiện nay là không khả thi lắm.
"Trước đây số lượng ngân hàng là 42, nên nếu chuyển từ 42 ngân hàng xuống 17 ngân hàng là không dễ. Chúng tôi cũng thấy hiện có quá nhiều ngân hàng nhỏ và cần phải có sự hợp nhất" - Chuyên gia của WB nói.
Cũng theo chuyên gia WB, cần làm bất cứ hành động gì để giảm số lượng ngân hàng là động thái tốt. Song WB cho rằng nếu hợp nhất và sát nhập, thì quy trình phải phù hợp, bởi quy trình quan trọng hơn là con số.
"Con số bao nhiêu ngân hàng còn lại còn phụ thuộc vào điều kiện cầu trên thị trường và nhiều nhân tốt khác. Quan trọng là quy trình và cải cách trong khu vực ngân hàng" - Chuyên gia kinh tế của WB khuyến cáo.
Cũng theo đánh giá của WB, nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm xuống mức 3%. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các khoản nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Theo đánh giá của WB, tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích lập dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các khoản rủi ro liên quan có thể gây tổn hại đến nguồn vốn.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ