World Bank nhận định, Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình” nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách (Ảnh minh họa/nguồn AFP)
World Bank nhận định, Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình” nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách (Ảnh minh họa/nguồn AFP)
Nguy cơ rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình”
Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia - 2021 “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, kết quả của quá trình vừa đi vừa dừng giữa cải cách thể chế táo bạo và cải cách từng bước khiến chất lượng thể chế ở Việt Nam chỉ được cải thiện không đáng kể trong 25 năm qua.
Dữ liệu từ các Chỉ số quản trị toàn cầu (WGI), thu thập thông tin hàng năm về sáu khía cạnh quản trị, cho thấy rằng chất lượng thậm chí đã hơi kém đi kể từ năm 2015.
Theo World Bank, việc cải thiện chất lượng thể chế và khả năng thích ứng còn hạn chế là một mối lo, không chỉ vì điều này có nghĩa là nền tảng để triển khai thực hiện hiệu quả chưa được áp dụng rộng rãi, mà còn vì các thể chế chưa sẵn sàng cho giai đoạn phát triển kinh tế mới.
Hiện nay có tương đối ít quốc gia có thu nhập trên trung bình mà không phải là nước sản xuất dầu mỏ và không có quốc gia thu nhập cao nào lại có điểm số quản trị thấp hơn Việt Nam.
Khi một quốc gia càng đạt được tiến bộ trên nấc thang phát triển kinh tế, sẽ càng nhiều khả năng quốc gia đó buộc phải có các thể chế tốt hơn để quản lý các vấn đề xã hội xuất hiện cùng với các thị trường rộng lớn và tinh vi hơn, cũng như đáp ứng nhu cầu của một xã hội đòi hỏi cao hơn.
Trên cơ sở đó, World Bank nhận định, Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thể chế thu nhập trung bình” nếu không đẩy nhanh tốc độ cải cách. Điều này có thể được chứng thực thêm bằng việc so sánh đã được thực hiện trước đó giữa Hàn Quốc và Thái Lan. Các quỹ đạo tăng trưởng khác nhau của hai nước này có thể được giải thích phần lớn bởi chất lượng của các thể chế của họ trong 25 năm qua. Nếu Hàn Quốc cải thiện thể chế một cách rõ rệt, thì Thái Lan lại ghi nhận sự suy thoái rõ rệt. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, đây có thể là thời cơ để Việt Nam cải cách thể chế mạnh dạn hơn.
Xu hướng về chất lượng cải cách thể chế của Việt Nam so với Thái Lan và Hàn Quốc - Nguồn: WB
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tốc độ cải cách thể chế ở Việt Nam đang tăng tốc trong những năm gần đây. Theo đó, Bộ Nội vụ hiện đang chuẩn bị kế hoạch tổng thể tiếp theo về cải cách hành chính.
Theo World Bank, kế hoạch này có thể vượt ra khỏi cách tiếp cận tiệm tiến truyền thống được sử dụng cho đến nay. Mục tiêu là tinh giản chính quyền trung ương bằng cách cắt giảm các bộ, trong đó tập trung cụ thể vào hiệu quả hoạt động của một số bộ cụ thể có trách nhiệm chồng chéo nhau trong các lĩnh vực của họ, chẳng hạn như lĩnh vực giao thông và xây dựng, tài chính và kế hoạch và đầu tư, và các công việc liên quan đến dân tộc và tôn giáo.
Ngoài ra, World Bank cho rằng cũng có thể xem xét thêm các điều chỉnh cần thiết để tăng cường các sắp xếp thể chế nhằm giải quyết các chương trình nghị sự phức tạp và xuyên suốt liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển kỹ năng và chuyển đổi số.
Báo cáo đánh giá, ở Việt Nam, một mục tiêu chính sách truyền thống là tìm kiếm sự cân bằng giữa ổn định thể chế và khả năng thích ứng. Do những thay đổi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu và việc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước theo hướng hiệu quả hơn, trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo việc tập trung vào khả năng thích ứng có thể trở nên cấp thiết hơn.
"Khả năng thích ứng như vậy sẽ giúp Việt Nam không chỉ giải quyết những thách thức mới phát sinh từ cuộc khủng hoảng COVID-19, mà còn thực hiện được các ưu tiên phát triển của mình nhanh hơn và tốt hơn", báo cáo chỉ ra.
5 cải cách thể chế cần ưu tiên để phát triển
Việt Nam có khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện khát vọng này, World Bank cho rằng, Việt Nam không chỉ cần xác định đúng những ưu tiên phát triển trong bối cảnh đứng trước nhiều thách thức phức tạp mới phát sinh trong nước và toàn cầu, mà còn cần phải cải cách thể chế để có thể thực thi những ưu tiên của đất nước một cách hiệu quả.
Từ đó, báo cáo nêu ra 6 ưu tiên phát triển có thể giúp Việt Nam không chỉ chèo lái vượt qua được thời kỳ hậu đại dịch, mà còn đạt được hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng vốn của mình.
Ưu tiên số 1 là thích ứng với quá trình toàn cầu hóa chậm lại bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.
Ưu tiên số 2 là tăng tốc số hóa nền kinh tế.
Ưu tiên số 3 là chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững”.
Ưu tiên số 4 là cần tăng cường cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và gia tăng các giải pháp thu hút khu vực tư nhân.
Ưu tiên số 5 là cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu.
Ưu tiên số 6 là chuyển từ các nỗ lực giảm nghèo từng phần sang một chương trình bảo trợ xã hội trên toàn quốc.
Theo World Bank, những ưu tiên này nhằm giúp Việt Nam hồi phục tốt hơn sau đại dịch COVID-19, bằng cách nhấn mạnh hơn sự cần thiết của việc thích ứng với “bình thường mới”.
"Những thích ứng này không chỉ yêu cầu phải đối phó với những rủi ro tăng cao, như bất ổn tài chính và tài khóa hoặc bất bình đẳng gia tăng, mà còn phải nắm bắt cơ hội mới xuất hiện từ chuỗi giá trị toàn cầu đã thay đổi hoặc từ sự tăng tốc của chương trình tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Những ưu tiên này là cấp thiết cho một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ vị trí là nước có thu nhập trung bình sang thu nhập cao", báo cáo nêu.
Báo cáo cũng lưu ý do những ưu tiên này sẽ chỉ tạo ra sự khác biệt nếu chúng được thực hiện đúng cách. Chính vì vậy, báo cáo đã đề xuất một nền tảng gồm 5 cải cách thể chế nhằm giúp Chính phủ phát triển tầm nhìn, năng lực và động lực tốt hơn, là những yếu tố quyết định để thực hiện hiệu quả.
5 nền tảng cải cách thể chế để thực thi hiệu quả gồm: Khung định chế vững chắc; thủ tục hành chính tinh giản; công cụ thị trường thông minh; tăng cường hiệu lực thực thi; quy trình có sự tham gia/tham vấn.
Do những thay đổi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu và việc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước theo hướng hiệu quả hơn, trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo việc tập trung vào khả năng thích ứng có thể trở nên cấp thiết hơn. Khả năng thích ứng như vậy sẽ giúp Việt Nam không chỉ giải quyết những thách thức mới phát sinh từ cuộc khủng hoảng COVID-19, mà còn thực hiện được các ưu tiên phát triển của mình nhanh và tốt hơn.