Theo các FTA mà VN đã cam kết, chậm nhất tới năm 2018 – 2019 phân phối, kinh doanh, bán lẻ và bán buôn xăng dầu sẽ không còn độc quyền.
Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật đã nhận được giấy phép đầu tư mở công ty liên doanh với một đơn vị của Kuwait, nhằm xây dựng hệ thống phân phối lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
Dù rằng, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thời gian qua đã có những biến chuyển với việc có 24 đầu mối nhập khẩu, 69 DN kinh doanh và phân phối. Nhưng, cho đến nay, 75% thị phần bán lẻ xăng dầu ở VN vẫn đang thuộc về 3 DN có vốn nhà nước, là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro. Trong đó, riêng Petrolimex đã chiếm gần 50% thị phần cả nước. Đặc biệt, với một tỉ lệ lớn vẫn thuộc Petrolimex cho thấy, thị trường xăng dầu vẫn chưa thực sự cạnh tranh, giá bán lẻ cơ bản vẫn ngang nhau, vì vậy tính độc quyền vẫn còn.
Tín hiệu từ DN ngoại
Cách đây mấy tháng, rộ lên tin một số DN Nhật Bản nhòm ngó tới mảng phân phối xăng dầu trong nước. Các DN này đã bắt đầu tìm hiểu thị trường để tính tới dọn đường cho việc chính thức tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu vào thời điểm VN tham gia mở cửa hoàn toàn thị trường xăng dầu. Dù rằng thương vụ này cũng chưa đâu vào đâu nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu cho thấy, các DN nước ngoài chỉ cần VN mở cửa sẽ “nhảy” vào thị trường vốn được xem là béo bở và phần lớn do DN Nhà nước “bao sân”.
Rất có thể thời gian tới sẽ diễn ra những vụ mua bán của DN ngoại với các DN phân phối xăng dầu nhỏ trong nước – đây là một bước mà các nhà đầu tư thường làm để đỡ phải mất công đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thực tế, các vị trí mặt bằng đẹp để kinh doanh xăng dầu đã được các DN lớn trong nước sở hữu nên các DN nước ngoài hay DN nhỏ trong nước khó có thể “chen chân” được. Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp mua lại các vị trí đẹp của các DN nước ngoài là khá cao. Khi đó, chắc chắn rằng thị trường xăng dầu sẽ không còn độc quyền như hiện nay.
Không muốn cũng phải làm
Tuy nhiên, đến nay thị trường xăng dầu vẫn theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, vẫn chưa đề cập đến việc mở cửa cho DN nước ngoài phân phối mà vẫn quy định kinh doanh xăng dầu do các DN trong nước thực hiện. Nhà nước quản lý thị trường xăng dầu bằng các công cụ tài chính như điều chỉnh giá hoặc tăng, giảm thuế nhập khẩu và các loại thuế phí khác.
Dù hiện vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng không để DN ngoại tham gia vào thị trường xăng dầu để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng nhưng dù muốn hay không muốn, tới 2018 – 2019 thị trường xăng dầu trong nước bắt buộc phải mở cửa dù có thể hình thức này hay hình thức khác, DN ngoại sẽ cùng tham gia “sân chơi” với DN trong nước. Và khi đó, thế độc quyền kinh doanh xăng dầu của các DN Nhà nước chắc chắn sẽ dần bị phá bỏ.
Quốc Anh / DĐDN