Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, trong khi nhà máy không thể dừng sản xuất, khiến các nhà máy lọc dầu có nguy cơ hết chỗ chứa.
Giá dầu thế giới giảm mạnh và Covid-19 bùng phát đã đẩy doanh nghiệp xăng dầu vào thế rất khó khăn. Ảnh: Đức Thanh
Lọc dầu ngắc ngứ, bán xăng lay lắt
Trái với sự hân hoan, tự tin của người tiêu dùng yêu cầu “đầy bình” lúc đi đổ xăng ở thời điểm giá rẻ như hiện nay, các nhà máy lọc dầu lại đang đứng trước nguy cơ hết chỗ chứa.
Đây là hệ quả từ tác động kép của Covid-19, khiến giá dầu giảm sâu, nhưng tiêu dùng cũng giảm mạnh do hạn chế các hoạt động bình thường nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước giảm khoảng 30% và dự kiến tiếp tục giảm khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng trước yêu cầu cách ly xã hội.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị nắm khoảng 50% thị phần tiêu thụ xăng dầu cả nước cho hay, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh, với biên độ lớn, tới 60%, đã tác động tới giá vốn tồn kho của doanh nghiệp. Trong quý I/2020, tổng doanh thu của toàn hệ thống Petrolimex chỉ đạt gần 28.500 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và ước lỗ 572 tỷ đồng.
Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế tạm dừng bay, thì nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh sẽ khiến sản lượng xuất bán tiếp tục giảm, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Petrolimex. Đơn vị này cũng đã tính, doanh thu cả năm sẽ giảm 12.517 tỷ đồng và lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo tới quý IV/2020.
Tiêu thụ giảm mạnh cũng khiến các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tính toán để giãn/hoãn nhận hàng, dù đã ký hợp đồng dài hạn. Điều này đã dẫn gia tăng tồn kho sản phẩm xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu (NMLD) là Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.
Tại thời điểm 30/3/2020, tồn kho dầu thô tại NMLD Dung Quất và Nghi Sơn lần lượt là 384,256 m3 và 533,500 m3 với tỷ lệ tồn kho lần lượt là 76% và 64%; tồn kho xăng tại NLMD Dung Quất là 138,242 m3, chiếm tỷ lệ 87%, tại NMLD Nghi Sơn là 167,520 m3, chiếm tỷ lệ 81%. Thực tế này khiến các NMLD phải chịu áp lực rất lớn từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho dầu thô), lẫn đầu ra (khó tiêu thụ).
Giải cứu bằng dừng nhập
Bình luận về thực tế tiêu thụ xăng dầu hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, đầu tháng 2/2020, giá dầu ở mức 65 - 70 USD/thùng, nhưng tới đầu tháng 3 đã giảm còn 25 USD/thùng. Đây là điều chưa bao giờ diễn ra, khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất bất ngờ. Thực tế, giá dầu thế giới giảm mạnh khiến giá xăng chịu tác động theo và các nhà kinh doanh xăng dầu phải dừng lại để quan sát thị trường. Việc giảm mua khiến các NMLD gặp tình trạng ứ đọng sản phẩm, thậm chí vượt giới hạn tồn trữ là dễ hiểu, bởi không ai xây nhiều kho dự trữ khiến đọng vốn lớn.
NMLD Nghi Sơn đã có động thái xin xuất khẩu bớt sản phẩm để giảm tồn kho, còn NMLD Dung Quất thì mang hàng đi gửi nhờ tại các đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, trong độ mươi ngày trở lại đây, có tình trạng các đầu mối và đại lý kinh doanh xăng dầu tăng mua hàng bởi cảm nhận được lợi ích của việc giá xăng dầu đang ở mức thấp kỷ lục, trong khi vẫn còn có thể dự trữ được. Điều này đã khiến thị trường xăng dầu đầu tháng 4 trở nên sôi động hơn.
Song, những người am hiểu thị trường cho rằng, trạng thái tăng mua khó kéo dài, bởi nguyên nhân cơ bản nhất là tiêu thụ xăng dầu của xã hội vẫn chưa quay trở lại bình thường, trong khi chỗ chứa chỉ có hạn.
Với thực tế, năng lực sản xuất của hai NMLD có thể đáp ứng 70 - 80% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước, khi sản lượng tiêu thụ giảm 20 - 30% như hiện nay, sản xuất của hai NMLD được xem là có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường.
Thế nhưng, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm mạnh, thì lượng xăng dầu nhập khẩu lại khá lớn, đạt 1,85 triệu tấn xăng dầu trong quý I/2020, tức là bằng 61% sản lượng của hai NMLD. Điều này đã tạo ra áp lực lớn cho sản xuất xăng dầu trong nước, khi các NMLD không thể dừng sản xuất và đang trong trạng thái gần hết chỗ chứa.
Trước thực tế sản xuất của các NMLD không thể dừng lại được, PVN cũng đã chính thức đề nghị các bộ, ngành tạm dừng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu sản xuất nội địa.
Thừa nhận việc nên mua xăng dầu nội để giải cứu nền kinh tế lúc khó khăn hiện nay, nhưng một chuyên gia xăng dầu cũng cho hay, vẫn sẽ có nhiều người không muốn hạn chế nhập khẩu xăng dầu bởi có những lợi ích khác.
“Mua xăng dầu trong nước thì chỉ 3 - 4 ngày là có hàng, trong khi xăng dầu nhập khẩu mất 10 - 15 ngày hàng mới về. Tuy nhiên, mua xăng dầu nội chỉ được chậm trả 30 ngày, trong khi nhập khẩu sẽ được ngân hàng cho chậm trả 60 ngày, thậm chí tới 90 ngày. Như vậy, ngay cả khi hàng chưa về tới Việt Nam, doanh nghiệp đã có thể bán xong lô hàng bằng cách cho chiết khấu cao hơn hẳn hàng mua trong nước để thu lại tiền mặt ngay. Dòng tiền này do chưa phải trả ngay sẽ được sử dụng quay vòng để tạo ra lợi nhuận khác. Bởi vậy, đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu có thể không khiến nhiều người thích”, vị này nói.