Ngày 16/6, Hội đồng Nhân dân (HDND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIII - nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức kỳ họp thứ nhất tại TP.Hạ Long với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, trong đó 75 đại biểu là đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt
Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII bàn nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu bầu các chức danh: Chủ tịch HĐND, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Chánh Văn phòng và Trưởng, Phó các ban HĐND tỉnh khóa XIII. Đồng thời, kỳ họp cũng hoàn thiện các chức danh: Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Ủy viên UBND tỉnh, bầu Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Kết quả, ông Nguyễn Văn Đọc tiếp tục đắc cử chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long tiếp tục được bầu là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ 100% phiếu bầu. Các ông Nguyễn Xuân Ký và Nguyễn Đức Thành được bầu là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII - cho biết: Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hướng tới phát triển bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, HĐND và hoạt động của HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng, nhất là trong việc xây dựng được một bộ máy chính quyền của tỉnh vững mạnh, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 14, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, đặc biệt là duy trì nhịp độ tăng trưởng cao và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đòi hỏi HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực phát huy các lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc: "Nhận những nhiệm vụ trọng trách được Đảng bộ, chính quyền, cử tri, nhân dân giao phó trong nhiệm kỳ mới; để xứng đáng với niềm tin tưởng đó, tôi xin hứa với Hội đồng, cử tri và nhân dân Quảng Ninh sẽ cùng tập thể Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh đoàn kết, thống nhất một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là việc thông qua các quyết sách đúng đắn, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giám sát việc thực hiện khả thi các quyết sách đó…”. |
Từ những yêu cầu quan trọng đó, ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tập trung triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các địa phương phải khẩn trương củng cố tổ chức, điều động phân công ngay những đồng chí vừa được bầu vào bộ máy chính quyền tỉnh để ổn định mọi hoạt động; Chỉ đạo hoàn thành sớm kỳ họp HĐND thứ nhất để đảm bảo có bộ máy chính quyền địa phương đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoạt động hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành, phát huy mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã đề ra.
Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND, các vị đại biểu HĐND và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc kịp thời đề xuất trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành những cơ chế chính sách quan trọng, các quyết định chủ trương đầu tư, những dự án sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên thật sự cụ thể, hiệu quả, khả thi, bắt nguồn từ thực tiễn đời sống, khả năng nguồn lực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách của tỉnh, để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Các đại biểu HĐND tỉnh phải thường xuyên liên hệ, tiếp xúc với cử tri và nhân dân để nắm bắt, kịp thời nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Công tác tiếp xúc cử tri phải đổi mới theo hướng: đại biểu là lãnh đạo chủ chốt cần bố trí lịch tiếp xúc cử tri ở tất cả các địa phương, không chỉ tiếp xúc theo địa bàn ứng cử; khuyến khích đại biểu tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng và tại nơi cư trú, nơi làm việc; luân phiên đại biểu tiếp xúc ở các khu vực khác nhau; tăng thời gian đối thoại, chú ý việc gợi mở để cử tri, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh...