Theo thống kế của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2/2017 vừa qua, tập đoàn Trường Hải đã bán ra tới hơn 7.700 xe, nhưng nếu xét về sự quan tâm của thị trường, liệu các thương hiệu xe du lịch do tập đoàn này phân phối có được quan tâm nhiều nhất?
Trường Hải, với các thương hiệu nằm trong sự quản lí của mình là Mazda, KIA, Peugeot..., đã bán ra 7.724 xe, chiếm tới 45% thị phần của các thành viên VAMA; tuy nhiên, nếu xét về từng thương hiệu riêng lẻ thì Toyota bán được nhiều xe nhất trong tháng 2 vừa qua, với 3.579 chiếc, chiếm 20,9% thị phần (Mazda hiện có 10,6% thị phần, KIA có 10,3%) .
Chính vì vậy, không có gì lạ khi ở top 5 xe bán nhiều nhất các phân khúc chính, các mẫu xe của Toyota (Vios, Fortuner, Innova) vẫn chiếm những vị cao nhất. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3 này Trường Hải đang thay đổi kế hoạch phát triển nhằm đạt mục tiêu được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản bằng cách tăng sản lượng bán hàng (không đồng nghĩa với việc đặt mục tiêu lợi nhuận), bằng cách liên tục giảm giá bán hàng loạt mẫu xe cùng các chương trình khuyến mại có giá trị khá lớn.
Tháng 2/2017 cũng là khoảng thời gian bán hàng thấp điểm của thị trường ôtô Việt Nam; do đó, hầu như toàn bộ các phân khúc xe đều có sự sụt giảm mạnh; mẫu xe du lịch 4 của giảm hơn 2.300 xe so với tháng 1, SUV giảm hơn 1.200 xe, xe bán tải giảm hơn 800 xe...
Ở top 5 các mẫu xe du lịch bán nhiều nhất tháng, Toyota Vios vẫn chiếm ngôi đầu với hơn 1.000 xe bán ra; tiếp ngay sau đó là hai mẫu xe do Trường Hải phân phối: Mazda3 và KIA Morning. KIA còn đóng góp thêm một mẫu xe trong danh sách này; đó là Cerato (lắp ráp trong nước), với 351 xe bán ra.
Ở phân khúc SUV/MPV, Honda CV-R đã rơi khỏi top 5 các mẫu xe bán nhiều nhất trong tháng, khi đạt doanh số 92 chiếc. Tuy nhiên, đây được cho là do hãng đang giao nốt những mẫu xe cũ để chuẩn bị cho các phiên bản mới ra trong tháng tới đây. Ngoài ra, đáng chú ý là mẫu Nissan X-Trail mẫu xe lắp ráp trong nước vừa "gia nhập" cuộc đua giảm giá/khuyến mại cũng đã lọt vào top 5 này, với 250 xe bán ra.
Trong tháng 2/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 17.621 xe, giảm 13% so với tháng 1/2017 nhưng tăng 50% so với tháng 2/2016. Trong số này có 10.044 xe du lịch (giảm 32% so với tháng 1), 6.344 xe thương mại (tăng 24%) và 1.233 xe chuyên dụng (tăng 220%).
Nếu nhìn vào số liệu này, có thể dễ dàng nhận thấy dù vào dịp "thấp điểm" bán hàng trong năm, nhưng nhu cầu về các loại xe thương mại (xe tải, bus, bán tải...) và xe chuyên dụng vẫn không hề giảm, phản ánh phần nào thực tế của một thị trường hơn 90 triệu dân mà hiện mới có hơn 2 triệu xe ôtô, một lí do khiến các hãng xe lớn chưa thể từ bỏ thị trường này một cách dễ dàng.
Nếu tính theo xuất xứ của xe, trong tháng 2/2017 vừa qua, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 14.560 xe, giảm 6% so với tháng trước và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.061 xe, giảm 35% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 2/2017, tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tăng 13%, trong khi xe nhập khẩu giảm 5% so với cùng kì năm ngoái.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2/2017 tăng 8% so với cùng kì năm ngoái; trong đó, xe du lịch tăng 21%; xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng tăng 5% so với cùng kì năm ngoái.
Như Phúc
Đồ họa: Ngọc Diệp