Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố bản báo cáo đánh giá tín nhiệm của Việt Nam với xếp hạng tín nhiệm quốc gia được giữ nguyên ở mức B1 - triển vọng ổn định. Tuy nhiên, Moody’s cũng chỉ ra một số điểm yếu của ngành Ngân hàng: Tín dụng tăng trưởng nhanh, nợ xấu cao, thâm hụt ngân sách lớn và nợ Chính phủ tăng.
Tỷ giá VND/USD vẫn duy trì sự ổn định
Trong bảng xếp hạng chi tiết, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được Moody’s xếp hạng ở mức “Cao” nhưng hãng này cũng không mấy lạc quan khi nhận định năng lực thể chế và năng lực tài khóa đều ở mức “Thấp” và khả năng bị ảnh hưởng từ rủi ro là “Cao”.
Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng nổi trội hơn so với các quốc gia trong khu vực, với tốc độ thực tế GDP quanh mức 6% trong vòng 2 năm tới nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đà phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước và dòng vốn FDI, cũng như lạm phát thấp. Ngoài ra, quản lý kinh tế ở Việt Nam có cải thiện nhất định. Đà cải cách kích tế trong những năm gần đây tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng là có nhưng quá trình thực hiện chịu nhiều tác động từ cả chủ quan và khách quan đã khiến sự tăng trưởng thiếu bền vững. Đơn cử như trong lĩnh vực ngân hàng, dù môi trường kinh doanh của ngành Ngân hàng được bình ổn nhưng các chỉ tiêu về vốn và chất lượng tài sản vẫn thấp. Theo đánh giá của Moody’s, ngành Ngân hàng vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam do hệ thống ngân hàng vẫn còn yếu kém bởi nợ xấu cao và tình trạng thiếu vốn. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh, ở mức 25% trong năm 2015, so với 16% trong năm 2014 cũng góp phần làm gia tăng thêm nguy cơ này.
“Điểm cộng” của ngành Ngân hàng trong thời gian qua chính là cơ chế tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước. Moody’s dự báo cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ thặng dư, đồng thời dự trữ ngoại hối sẽ tăng thêm. Nhận định này cũng tương đồng với quan điểm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra mới đây trong Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016. Theo đó, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do vẫn giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường ngoại hối trong nước ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào và cầu ngoại tệ chưa có nhiều đột biến, áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam từ nay đến cuối năm là không lớn.
Về phương diện tài chính công, Moody’s nhận định thâm hụt ngân sách còn lớn dù lãi suất các khoản vay từ các đối tác phát triển ở mức vừa phải.
Cập nhật mới nhất về ngân sách và tình hình nợ công được Bộ Tài chính đưa ra ngày 6/9 cho thấy: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện trong 8 tháng ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015; tổng chi ngân sách 770,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015; bội chi ngân sách 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm.
Theo đánh giá của Moody’s, ngành Ngân hàng vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam do hệ thống ngân hàng còn yếu kém. |
Duy Minh / baocongthuong.com.vn