Xi măng Điện Biên: Dấu ấn trên mỗi công trình Tây Bắc
Ngày đăng: 19/09/2019 09:04:50
Dù là đơn vị duy nhất khai thác, sản xuất và cung cấp xi măng trên địa bàn tỉnh nhưng xi măng Điện Biên vẫn không ngại khó vươn cánh tay nối dài để tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác.
Cty cổ phần xi măng Điện Biên duy trì dây chuyền sản xuất 24/24 với công suất hơn 1.000 tấn clanker/ngày, tương đương 400.000 tấn xi măng/năm.
Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên được khởi công từ năm 2001 với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng và đi vào hoạt động năm 2009. Kể từ khi đi vào sản xuất, nhà máy Xi măng Điện Biên từng bước tạo dựng uy tín cung cấp cho thị trường các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và một số tỉnh Bắc Lào. Với 4 sản phẩm chính, đó là: Xi măng Poóclăng hỗn hợp PCB 30, PCB 40, PC 40, đặc biệt với xi măng PC siêu mịn đã đáp ứng tốt yêu cầu dùng trong việc chống thấm cho các công trình xây dựng thủy điện. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Xác định rõ tầm quan trọng của nhà máy xi măng Điện Biên, UBND tỉnh, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan hết sức tạo điều kiện để Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ngoài những thuận lợi như được miễn thuế đất, các thủ tục hành chính thông thoáng, Sở Công Thương – đơn vị quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy hoạch các điểm mỏ, tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại chỗ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm thị trường đầu ra trên địa bàn và xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên cho biết: “Để xi măng Điện Biên trở thành thương hiệu của các tỉnh Tây Bắc, Ban giám đốc Cty luôn chú trọng đưa ra nhiều giải pháp tiếp thị, chào hàng, bán hàng với giá thành cạnh tranh… Đến nay, sản phẩm xi măng Điện Biên dần tiếp cận các công trình xây dựng của Nhà nước và tư nhân trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong đó phải kể đến các công trình thủy điện nhỏ như Thủy điện Nậm Nhùn, Thủy điện Sông Mã, Nậm Na 1,2…”
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những khó khăn của nền kinh tế nhưng Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên luôn ổn định sản xuất và tạo việc làm cho trên 400 lao động, với thu nhập bình quân 4,4 triệu đồng/người/tháng. Theo số liệu báo cáo từ Công ty, doanh thu năm 2015 đạt gần 500 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng.
Tìm hướng đi mới
Tuy nhiên, Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước, kinh tế chậm phát triển, ngân sách phụ thuộc hơn 90% vào Trung ương. Chính vì vậy, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, thương hiệu xi măng Điện Biên đã bị nhiều công trình xây dựng trong tỉnh “chê” bởi đây là thương hiệu khá mới trong “làng” xi măng Việt Nam. Để rồi nhiều sản phẩm xi măng có tiếng khác được thừa cơ “tung hoành”, cho dù giá thành sản phẩm đến chân công trình luôn cao hơn nhiều sản phẩm sản xuất ngay tại địa phương.
Nhìn từ góc độ đầu tư, việc sử dụng xi măng Điện Biên trong thi công các công trình sẽ tác động kích cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, UBND tỉnh Điện Biên cần có biện pháp tháo gỡ và có nhiều chế tài nhằm bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nhất là các dự án không dùng vốn ngân sách, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương… Đây là những tiêu chí quan trọng trong bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) mà tỉnh Điện Biên đang hướng tới.