DN dệt may, da giày nên đầu tư vào khâu có giá trị gia tăng cao | C/O ưu đãi là chìa khóa duy nhất giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng được quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, con đường xin cấp C/O quá gian nan, mất thời gian, thậm chí mất cả chi phí không chính thức. |
Việt Nam hiện đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 hiệp định đã ký kết và 4 hiệp định vẫn đang đàm phán. Theo nhận định từ các chuyên gia, dệt may và da giày là hai ngành cốt lõi được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA đã ký kết. Lợi ích thuế quan là mối quan tâm hàng đầu, tuy nhiên để được hưởng ưu đãi này, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ trong các FTA và được cấp C/O ưu đãi. Đáng chú ý, quy tắc xuất xứ trong mỗi hiệp định lại “lỏng”, “chặt” khác nhau.
Với ngành dệt may, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi, đây là quy tắc chặt nhất với ngành trong các FTA; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) áp dụng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi và được cộng gộp bên thứ 3 (quốc gia có FTA với cả Việt Nam và EU).... Với ngành da giày, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và EVFTA áp dụng cho mã HS 6406 là chuyển đổi nhóm (CTH), các mã HS còn lại là CTH với điều kiện nếu nguyên liệu sử dụng là 6406 thì phải có xuất xứ trong khối ACFTA.… Mặt hàng ba lô, túi xách có mã HS 21 áp dụng quy tắc chuyển đổi chương hoặc CTH.
Theo ông Nguyễn Đức Chương - Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt, điều đầu tiên để thỏa mãn quy tắc xuất xứ là DN phải biết và hiểu được quy tắc xuất xứ như thế nào. Tuy nhiên, tài liệu về các chương, các điều, phương thức chuyển đổi mã HS bằng tiếng Việt tìm ở đâu thì doanh nghiệp không biết. Hơn nữa, “sau khi các tài liệu được phát hành, cơ quan có thẩm quyền có thực hiện được đúng như cam kết và hệ thống cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính có đồng bộ hay không là điều chúng tôi rất băn khoăn”, ông Chương nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chương, Công ty Nam Việt chuyên sản xuất sợi, nhưng khi xin cấp C/O đơn vị cấp đòi hỏi chứng từ mua bông. Mỗi sản phẩm dệt may có hàng trăm công đoạn do hàng trăm DN thực hiện. Nếu truy xuất đến cùng, DN phải đi hàng trăm đơn vị “cầu cạnh” xin sao chứng từ, đây là trở ngại rất khó đáp ứng, cho dù có đáp ứng thì giá trị ưu đãi lại đội lên thành không ưu đãi.
Công ty TNHH Dệt may T&N cũng đã gặp trường hợp tương tự. Theo ông Trần Đức Toàn - Giám đốc công ty, DN ký được hợp đồng đầu tiên xuất khẩu 200 thùng tất sang Pháp, đơn hàng này DN nỗ lực kéo về từ tay nhà sản xuất Trung Quốc nên rất cần tạo uy tín đối với khách hàng. Trước khi bắt tay vào làm, DN đã xin tư vấn từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc xin C/O form A để được hưởng ưu đãi. “Với câu trả lời có, DN đã bắt tay vào làm, nhưng khi xuất hàng, loay hoay cả tháng trời chúng tôi vẫn chưa xin được C/O này”, ông Toàn cho hay.
Nguyên do là nguồn nguyên liệu DN mua từ 2 nhà cung cấp khác nhau và đối tác cung ứng sợi mộc cho một trong 2 nhà cung cấp này đã không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin. Chính vì vậy, Công ty TNHH Dệt may T&N không thể xin được C/O form A, hàng hóa bị ách lại cảng buộc phía đối tác đồng ý chuyển sang C/O form B.
Trước những băn khoăn của DN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho hay: Các FTA đã ký kết là thành quả ban đầu, tiếp theo Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hoạt động phổ biến. Cục Xuất nhập khẩu sẵn sàng hỗ trợ giải đáp các thắc mắc và giúp DN tính, chuyển đổi mã HS.
Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA của DN dệt may, da giày khá khó do năng lực đáp ứng nguyên phụ liệu trong nước chưa tốt. Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm thêm nguyên liệu từ các nước thành viên trong FTA, DN cần đầu tư vào những khâu trước cắt, may và đầu tư vào các khâu có giá trị gia tăng cao nhưng không đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính như: Thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu.
Việt Nga / ven.vn