Không chỉ là thông điệp, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản để tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quyết tâm lớn, nên ngay kỳ họp đầu tiên, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh. Tất cả là để nhằm mục tiêu “bảo đảm quản lý nhưng tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh là quan trọng nhất”, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên, Chính phủ đệ trình Quốc hội một dự luật mà trong đó sẽ sửa đổi nhiều luật. Năm 2009, đã từng có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Năm 2014, khi sửa đổi Luật Đầu tư, cũng có một điều luật của Luật Công nghệ cao được sửa đổi ở đó. Nhưng lần này, chỉ một dự án luật, nhưng dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của rất nhiều luật hiện hành.
Giải pháp dài hạn và quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế bền vững vẫn là tạo môi trường cho đầu tư, kinh doanh thuận lợi
Đó là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, đến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, rồi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở…
Sửa đổi gấp rút như vậy là cần thiết để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khi mà các phản hồi từ dư luận và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập và rào cản trong thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Vẫn còn những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đấy đai, xây dựng. Cũng vẫn còn những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không cần thiết và bất hợp lý, có thể cắt bỏ tới 53 ngành nghề. Và vẫn còn những vướng mắc liên quan đến chính sách bảo hộ, khuyến khích đầu tư…
Có quá nhiều điều còn tồn tại trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam, khiến những rào cản vẫn liên tiếp được dựng lên. Chỉ một câu chuyện liên quan đến quán cà phê Xin Chào cũng cho thấy, không phải doanh nghiệp đã thực sự được làm những gì mà Nhà nước không cấm.
Sửa đổi các điều luật là cần thiết và quan trọng. Nhưng sửa từng luật là quá mất thời gian, vì thế, điều đáng mừng là Chính phủ đã quyết tâm sửa đổi nhanh các điều luật nhằm gỡ bỏ mọi rào cản chỉ trong một luật. Một luật để sửa nhiều luật lại chỉ được xây dựng trong một thời gian ngắn đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng viên gạch đầu tiên đã được đặt, rất nhiều nhóm vấn đề sẽ được sửa đổi trong luật này, từ các nhóm điều khoản liên quan tới điều kiện kinh doanh đến nhóm chính sách về bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhóm chính sách về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...
Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và rõ ràng là có nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Dốc vốn vào nền kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hay thậm chí là tăng khai thác dầu thô… là những biện pháp đã từng và vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Nhưng không có giải pháp kích thích kinh tế nào quan trọng, hiệu quả hơn việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trước đây, ngay cả khi Chính phủ quyết tâm chi cả tỷ USD để kích thích nền kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất thì vẫn có những quan điểm cho rằng, đó là chỉ là giải pháp ngắn hạn, dài hạn và quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường cho đầu tư, kinh doanh.
Giờ đây, điều này đang được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Cũng chưa bao giờ, dư luận chứng kiến một sự nỗ lực và quyết tâm lớn đến như vậy của Chính phủ. Bởi thế, quyết tâm này đang được kỳ vọng sẽ biến thành hành động, tạo khí thế mới, động lực mới để người dân và cộng đồng doanh nghiệp dốc vốn vào đầu tư, kinh doanh hiệu quả, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguyên Đức / baodautu.vn