Ngày 16-1, tại cầu Hòa Trung (ấp Hòa Nam, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức lễ thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi.
Sự kiện này chính thức xóa thế “ốc đảo” của hai huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển, kết nối hoàn toàn các tuyến đường bộ chính yếu của vùng sông nước Cà Mau.
Cầu Hòa Trung chính thức thông xe, xóa thế ốc đảo, thỏa mong ước bao đời của người dân Đầm Dơi
Cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào, kết nối tuyến đường TP Cà Mau – huyện Đầm Dơi là mơ ước bao đời của hơn 200.000 dân của huyện có diện tích lớn nhất và đông dân nhất tỉnh Cà Mau. Dự án được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp nhận thực hiện từ Sở GTVT Cà Mau tháng 2-2015. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 15-4-2015 với tổng mức đầu tư khoảng 383 tỉ đồng.
Cầu Hòa Trung vượt sông Gành Hào tại vị trí bến phà Hòa Trung khoảng 100 m về phía thượng lưu, có tổng chiều dài khoảng 1.286 m. Trong đó, phần cầu chính và đường đầu cầu dài khoảng 626 m, chiều dài đường vuốt nối khoảng 660 m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN272-05; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng cầu 10 m.
Sau hơn 6 tháng triển khai thi công, đến nay dự án cầu Hòa Trung đã cơ bản hoàn thành. Đây là dự án có thời gian lập dự án và thi công ngắn nhất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc đưa dự án cầu Hòa Trung nối hai bờ sông Gành Hào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Cà Mau, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng đánh giá cao trình độ xây dựng cầu đường của nước ta đã vươn đến tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt là cầu Hòa Trung đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn, được đánh giá là một kỷ lục.
Cùng ngày, Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đã cắt băng khánh thành, chính thức thông xe, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 58,7 km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc thông xe kỹ thuật tuyến đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn về Đất Mũi không chỉ chính thức nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau mà còn nối liền một dải Quốc lộ 1, thông suốt đến vùng đất thiêng liêng tận cùng đất nước.
Đưa cột cờ Hà Nội đến Mũi Cà Mau
Cùng dịp thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
Đây là biểu tượng thống nhất non sông tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội được xây dựng tại khu vực cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), điểm Cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, nằm trong Khu công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau.
Đây cũng là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nối liền hai miền Bắc - Nam và là nơi ghi đậm những dấu ấn lịch sử của dân tộc trong các cuốc đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc và vươn khơi lấn biển. Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của Cột cờ Hà Nội, được xây dựng dưới thời Vua Gia Long vào năm 1812 ở phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội là nơi chứng kiến những mốc son lịch sử của Thủ đô và đất nước. Khi hoàn thành, công trình biểu tượng Cột cờ Hà Hội tại đất mũi Cà Mau vừa là nơi biểu diễn nghệ thuật, tham quan du lịch, vừa là nơi trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử.
Dự kiến, kinh phí xây dựng công trình này là 140 tỉ đồng từ nguồn vốn của TP Hà Nội và các nguồn vốn huy động khác.