Với Hiệp định đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP) được ký kết, giới sản xuất Nhật Bản ngày càng xem xét một cách thuận lợi hơn việc chọn Đông Nam Á làm địa bàn đặt cơ sở sản xuất hàng để xuất khẩu ra thế giới.
Ảnh minh họa.
Theo một cuộc thăm dò mới đây, được báo Nhật Asian Nikkei Review công bố ngày 12/05/2016, Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, RFI cho biết.
Trong một cuộc khảo sát ý kiến 1.100 công ty Nhật, có số vốn trên 10 triệu yen, được viện nghiên cứu Mizuho Research Institute thực hiện vào tháng 02/2016, khoảng 43,8% người được hỏi đã nêu khối ASEAN như là khu vực được họ dự kiến dồn sức lao vào. So với cùng một cuộc thăm dò tiến hành vào năm 2015, thì tỷ lệ chọn ASEAN tăng 2,3% và ASEAN vẫn đứng đầu bảng 4 năm liên tục.
Mối quan tâm đến Việt Nam rất rõ. Trả lời câu hỏi là nước nào trong ASEAN được họ chú ý nhất, 53,5% các công ty nêu tên Việt Nam, tỷ lệ này đã tăng 4,9% so với năm ngoái.
Thái Lan, nơi ngành lắp ráp xe hơi phát triển chậm lại, vẫn được 59,7% công ty chọn lựa, nhưng đã sụt 2,2% so với năm 2015. Indonesia cũng được 41,5% chú ý, nhưng tỷ lệ đã giảm 4,7%.
Lợi thế của Việt Nam dưới mắt các nhà công nghiệp Nhật Bản là quy chế thành viên Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với việc ký kết TPP vào tháng 02/2016, Việt Nam đã được chú ý hơn trong tư cách là cơ sở xuất khẩu hàng vải sợi và một số sản phẩm khác.
Khi được hỏi họ dự kiến mở rộng đầu tư ở đâu trong 12 quốc gia ký kết hiệp định TPP, 12,8% nêu tên Việt Nam, 10,7% nói đến Nhật Bản, và 4,9% chọn Hoa Kỳ.
Ngược lại, giới sản xuất Nhật Bản xác nhận đã rút khỏi Trung Quốc do việc hoạt động kinh tế tại đấy chậm lại. Chỉ còn 67,4% người được thăm dò cho biết là họ có cơ sở ở Trung Quốc, giảm 2% so với năm 2015, và lần thứ hai liên tiếp.
Mai Vân / BizLIVE