Gần đây, bên cạnh Vingroup đi tiên phong đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào nông nghiệp sạch ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, có những thông tin khác đáng quan tâm: Nông nghiệp sạch, thực phẩm chế biến sạch đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Mới đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam thăm dò thị trường, hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt để đầu tư vào lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Thương vụ hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) là một điển hình. Mới đây, hai tập đoàn đã chính thức khai trương Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh tại Hà Nội.
Công ty CJ Cheil Jedang (Hàn Quốc) dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam nhằm nâng tổng số vốn đầu tư lên 900 triệu USD, mục tiêu sẽ biến Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ hai (sau Trung Quốc) tại nước ngoài của CJ Cheil Jedang. Hiện nay, CJ Cheil Jedang đã có một trang trại, 4 nhà máy chế biến và một điểm bán lẻ tại Việt Nam.
Tập đoàn Registrar Corp (Hoa Kỳ) đã rót vốn đầu tư, hợp tác với 400 doanh nghiệp Việt sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hoa Kỳ...
Tuy nhiên, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước có 530 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn hiệu lực với vốn đầu tư đạt 3,7 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn FDI của cả nước.
Một giác độ khác: Vì sao các doanh nghiệp Việt chưa mặn mà với nông nghiệp sạch- lĩnh vực đầy tiềm năng để đầu tư?
Thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, cản ngại lớn nhất là sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ thiếu và yếu. Khó khăn để có quỹ đất lớn và những thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian cũng là cản ngại không nhỏ.
Bất giác liên tưởng tới chuyện hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ Nhật Bản chuyển đổi các nhà máy đã ngừng hoạt động sang trồng rau sạch bằng công nghệ cao, như: Fujitsu, Toshiba trồng rau diếp; Panasonic trồng rau chân vịt; Sharp trồng dâu tây..., hiệu quả kinh tế rất cao. Kể từ năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng các khoản trợ cấp cho lĩnh vực nông nghiệp tiên tiến. Nhờ vậy, số lượng các nhà máy sử dụng phương pháp công nghệ cao để trồng rau đã tăng gấp 4 lần trong hơn 2 năm qua, lên tới 380 nhà máy.
Phải chăng đây là một hướng đi mới để các hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt tham khảo khi quỹ đất để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp?