Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2022 đạt 499,71 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 252,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD. Với kết quả này, thặng dư thương mại đã lên tới 5,49 tỷ USD…
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2022 tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2022 (từ ngày 16/8 đến ngày 31/8/2022) đạt 35,42 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 5,05 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2022 đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 346,32 tỷ USD, tăng 16,2% (tương ứng tăng 48,24 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 153,38 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 20,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 8/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,97 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 5,49 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 8/2022 đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 30,2% (tương ứng tăng 4,57 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 8/2022.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 8/2022 biến động tăng mạnh so với kỳ 1 tháng 8/2022 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,2 tỷ USD (tương ứng tăng 64,4%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 665 triệu USD, (tương ứng tăng 24,5%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 592 triệu USD (tương ứng tăng 30,5%); hàng dệt may tăng 382 triệu USD (tương ứng tăng 21,2%)...
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 8 năm 2022 so với kỳ 1 tháng 8 năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Như vậy, trong 8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 8/2022 đạt 14,86 tỷ USD, tăng 32,3% (tương ứng tăng 3,63 tỷ USD) so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 8/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên gần 185,44 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 28,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2022 đạt 15,73 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 483 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8/2022 tăng so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 188 triệu USD (tương ứng tăng 9,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 100 triệu USD (tương ứng tăng 2,9%); kim loại thường tăng 59 triệu USD (tương ứng tăng 15,3%)...
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 8 năm 2022 so với kỳ 1 tháng 8 năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Như vậy, trong 8 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,55 tỷ USD, tăng 4,4% (tương ứng tăng 444 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 160,89 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 19,68 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,1% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Đánh giá về kết quả xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2022, Bộ Công Thương cho rằng kim ngạch xuất khẩu đã có sự hồi phục mạnh mẽ, trong đó, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều đạt mức tăng trên 2 con số, giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao được vị thế và khả năng đáp ứng trong các chuỗi giá trị.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…
Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường, các biện pháp tận dụng các cam kết ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết cũng là một trọng tâm mà Bộ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.